Kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế Lương Mai Anh, phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp có tác động lớn tới công tác phòng, chống dịch cộng đồng vì lượng công nhân làm việc trong các khu công nghiệp rất đông, cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau dễ gây bùng phát dịch tại cộng đồng. Bên cạnh đó, nếu làm không tốt, phải ngừng sản xuất, gây đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chuỗi kinh doanh cả nước, sẽ gây thiệt hại cho người lao động, doanh nghiệp và cả xã hội. Vì vậy, ngay từ năm 2020, đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, được ban hành.
Cụ thể, tháng 5.2020, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các chuyên gia y tế thế giới xây dựng Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG. Quyết định đã nêu rõ, nhiệm vụ của người lao động, vai trò của người làm công tác y tế tại các cơ sở kinh doanh; đồng thời, đưa ra 15 tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 để các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động đánh giá mức độ, nguy cơ và có biện pháp dự phòng phù hợp. Trong đợt dịch thứ 4 này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2787 hướng dẫn phương án xử lý khi có ca mắc tại các cơ sở kinh doanh; hướng dẫn về sàng lọc, tiêm vaccine và có riêng một công văn hướng dẫn cụ thể mẫu cho các cơ sở kinh doanh xây dựng mô hình phòng, chống dịch.
"Các văn bản chỉ đạo được ban hành rất đầy đủ, góp phần kiềm chế, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp. Bộ Y tế cũng liên tục tổ chức buổi hội thảo, lớp tập huấn trực tuyến cho các tỉnh về các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đợt kiểm tra thực tế tại các địa phương. Nhiều nơi chủ động thành lập ngay đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, như Bắc Giang có 30 đoàn kiểm tra, giám sát; Bắc Ninh là hơn 40 đoàn kiểm tra, hỗ trợ; còn tại Đồng Nai là 121 đoàn…" - PGS.TS Lương Mai Anh nhấn mạnh.
Nhanh chóng thay đổi và thích ứng
Mặc dù đã chủ động xây dựng văn bản chỉ đạo; kịp thời triển khai đoàn kiểm tra, giám sát tại khu công nghiệp, song trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều khu công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo thống kê mới nhất, đã có hơn 700.000 ca mắc trong cả nước với hơn 53.000 lao động là F0, hơn 100.000 lao động là F2 và F3 và gần 2,5 triệu lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bị mất việc, hoãn việc làm… Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp hiện nay là do lực lượng lớn lao động đến từ nhiều địa phương, người lao động làm việc trong môi trường khép kín, thuận tiện cho dịch bệnh lây nhiễm. Bên cạnh đó, phần lớn người lao động ở thuê tại các xóm trọ, nhà trọ dành cho công nhân do tư nhân xây dựng, quản lý, có diện tích ở chật hẹp, số lượng người ở chung một phòng đông.
Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ cho biết, bên cạnh một số khu công nghiệp mới, quy hoạch tốt, nhà máy có thông gió, quản trị bộ máy doanh nghiệp hiện đại, phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; vẫn còn không ít khu công nghiệp cũ xây dựng từ năm 2000, lấn vào khu dân cư tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Các khu công nghiệp này có nhà xưởng chật chội hơn, tiêu chuẩn môi trường lao động áp dụng chuẩn mực thấp hơn, khoảng cách giữa các nhà máy hẹp hơn… nên khả năng phòng, chống dịch kém hơn.
Làm sao có thể vừa tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án bảo đảm hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia là băn khoăn của không ít chuyên gia.TS. Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ sở sản xuất sẽ có phương án phòng dịch khác nhau, do vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải tập hợp các phương án, đánh giá, để từ đó đưa ra được mô hình tốt nhất áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu tổng thể, chi tiết các giải pháp ứng phó trong từng lĩnh vực, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng do dịch bệnh mang lại.
Khẳng định ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng nhằm phòng, chống dịch hiệu quả tại khu công nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Lương Mai Anh chia sẻ, nhóm người lao động trong khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh là một trong những nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 và Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hiện, Bộ Y tế đang thực hiện phân bổ vaccine theo quy tắc ưu tiên, hỗ trợ cho các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Khi vaccine được chuyển về, các địa phương cần thực hiện tiêm ngay, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.