Bắc Hà vốn nổi tiếng là vùng trọng điểm trồng cây ăn quả ôn đới của tỉnh Lào Cai nói riêng và khu vực Tây Bắc với diện tích đạt 1.554ha, trong đó mận tam hoa 548 ha; mận địa phương 457ha; lê 333,4 ha; cây ăn quả khác 215,6 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 1.245 ha, chiếm 80,1% tổng diện tích.
Đến thời điểm này, huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) đã cơ bản kết thúc vụ thu hoạch sản phẩm cây ăn quả ôn đới năm 2022, ước tính địa phương thu được gần 90 tỷ đồng từ sản phẩm cây ăn quả ôn đới.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 5.365 tấn., Trong đó, cây đào 97 tấn; mận tam hoa 3.000 tấn; mận địa phương 200 tấn; lê 50 tấn; các sản phẩm quả khác 1.918 tấn. Giá trị ước gần 90 tỷ đồng, trong đó: đào giá trị đạt trên 2 tỷ đồng; mận tam hoa giá trị ước đạt trên 50 tỷ; mận địa phương giá trị ước đạt trên 4 tỷ; lê giá trị ước đạt trên 2 tỷ; các sản phẩm quả khác giá trị ước đạt trên 30 tỷ đồng.
Đây là kết quả từ việc triển khai Dự án “Cải tạo vùng mận tam hoa Bắc Hà” và Dự án “Phát triển cây ăn quả ôn đới chất lượng cao” trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện Bắc Hà cũng chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm cây ăn quả địa phương như: Dự án "Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mận của địa phương với 4 sản phẩm là mận tam hoa, mận Tả Van, mận hậu, mận Tả Hoàng Ly"; phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa điều tra, khảo sát, lập hồ sơ, bản đồ, thiết kế logo cho sản phẩm mận và xây dựng hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xét duyệt cấp chứng nhận…
Trong năm 2022, căn cứ vào thực tế tình hình dịch Covid- 19, Phòng Nông nghiệp đã chủ động tham mưu UBND huyện Bắc Hà ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tiêu thụ mận tam hoa và các sản phẩm cây ăn quả ôn đới năm 2022, với mục tiêu: Phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng sản phẩm mận tam hoa và các loại sản phẩm quả ôn đới với giá thành cao nhất, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương.
Năm 2023, huyện Bắc Hà tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì hoạt động thu mua của các thương lái trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với các huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức các điểm bán mận và các sản phẩm quả ôn đới. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại điện tử. Thực hiện liên kết tiêu thụ với hệ thống các siêu thị: Sử dụng tem, nhãn nhận diện; vận chuyển mận và các sản phẩm quả ôn đới. Thành lập các Tổ giúp nhân dân tiêu thụ nông sản tại địa phương…