Cụ thể hóa quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022
Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thi đua, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 38 điều đã thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW, cụ thể hóa quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Dự thảo Nghị quyết quy định 6 nội dung cơ bản về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm; tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giao Ban Công tác đại biểu là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về công tác thi đua, khen thưởng; hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Về hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Điều 81 Luật Thi đua, khen thưởng quy định: “Ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức khen thưởng khác nhằm động viên đối với cá nhân, tập thể có thành tích để kịp thời nêu gương trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định”.
Ban Công tác đại biểu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng danh hiệu thi đua cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và hình thức khen thưởng cho các cá nhân và tập thể cả trong và ngoài cơ quan Quốc hội để động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua của Quốc hội và ghi nhận đóng góp của cá nhân, tập thể với hoạt động của Quốc hội.
Về tên gọi danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu trình 2 phương án: phương án 1 là “Cờ thi đua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” và “Bằng khen của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Phương án 2 là không đặt tên danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng giống với Chính phủ mà đặt tên gọi khác nhằm phân biệt với các hình thức khen thưởng trong Luật Thi đua, khen thưởng.
Không làm phát sinhdanh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mới ngoài quy định của Luật
Báo cáo một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về hình thức văn bản, trong Thường trực Ủy ban có 2 loại ý kiến: loại ý kiến thứ nhất thống nhất đề xuất hình thức văn bản là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị hình thức là Pháp lệnh vì theo quy định tại khoản 1, Điều 16 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh để quy định những vấn đề được Quốc hội giao”. Bên cạnh đó, thực tiễn vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ban hành Pháp lệnh để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật (2 pháp lệnh năm 2022, 1 pháp lệnh đang trình).
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu ban hành văn bản theo hình thức pháp lệnh thì cơ quan soạn thảo cần phải có thời gian để thực hiện xây dựng pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (xây dựng chính sách, lập đề nghị, đánh giá tác động, lấy ý kiến, trình thẩm tra đề nghị,…), khó bảo đảm về mặt thời gian để có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản theo hình thức nghị quyết bảo đảm về mặt thời gian, cũng phù hợp với điểm e, khoản 2, Điều 16 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, hình thức văn bản nên là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, nội dung về Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được quy định trong nghị quyết này là bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về quy định các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc dự thảo Nghị quyết quy định hình thức khen thưởng riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 81 Luật Thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, việc quy định danh hiệu thi đua “Cờ thi đua của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, hình thức khen thưởng “Bằng khen của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” là vấn đề cần phải cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng về giá trị pháp lý, so sánh, tương quan với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác quy định trong Luật như “Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ”, sự hòa nhập trong hệ thống thi đua, khen thưởng Nhà nước… và không để hiểu lầm phát sinh danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng mới ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung các hình thức khác đã được Điều 81 cho phép (có thể là Thư khen, Thư biểu dương, Thư ghi nhận đóng góp...). Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Ban Công tác đại biểu tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về hình thức văn bản, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất hình thức văn bản là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất cần ban hành 2 nghị quyết quy định về hai nội dung mà Luật Thi đua, khen thưởng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, quy định gồm: về Kỷ niệm chương của Quốc hội và việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng nhất trí với hình thức văn bản là Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo thông lệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh nhằm quy định, điều chỉnh những vấn đề có phạm vi rộng, toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm hướng dẫn, quy định thi hành một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với hai nội dung mà Luật Thi đua, khen thưởng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, quy định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này là phù hợp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ban Công tác đại biểu đã chủ động soạn thảo tờ trình và lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội về dự thảo tờ trình. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban Công tác đại biểu là cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra nội dung này; đề nghị hai cơ quan phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề về nội dung này; soạn thảo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết quy định về việc tặng Kỷ niệm chương của Quốc hội theo Điều 71 Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị quyết quy định việc tổ chức thực hiện các nội dung về thi đua, khen thưởng theo Điều 88 Luật Thi đua, khen thưởng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm quy định đủ cụ thể và có tầm khái quát công tác thi đua, khen thưởng; làm rõ tính đặc thù trong công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động.