Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững sáng 15.8.
Duy trì tốc độ phục hồi, bước đầu vượt qua khó khăn
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, trong 7 tháng năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách quốc tế. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế.
Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển. Sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương; sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách xuất nhập cảnh mới... từ đó đã đóng góp tích cực duy trì tốc độ phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh của ngành du lịch.
Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 18.5.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14.7.2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Trước đó, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 15.8 là ngày 2 Luật này chính thức có hiệu lực.
“Với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày), ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.
Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo đột phá
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung một số nội dung, trong đó phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nội dung các văn bản mới; tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch, kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các đại biểu đồng thuận, chỉ có khơi thông thị trường khách quốc tế đến Việt Nam thì du lịch mới phục hồi như mong muốn.
Để tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam, cùng với các chính sách thị thực mới, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.
Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam.
Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 82/NQ-CP.
"Từ nay đến cuối năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phê duyệt một số đề án như Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm...", Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Đại diện cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội, người làm du lịch đã tập trung thảo luận nhiều nhóm nội dung, trong đó có khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hành động cụ thể hóa các văn bản mới của ngành du lịch bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao, được triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.