Làm thế nào để giảm tác động đến môi trường và xã hội, ví dụ: tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tránh lãng phí, giảm tác động tới thiên nhiên... khi quay phim tài liệu? Đây là nội dung của hội thảo chuyên đề thuộc dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững 2023 - 2024 dành cho các nhà làm phim tài liệu.
Hội thảo do Viện Goethe kết hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, GreenViet, GreenHub và Think Playgrounds tổ chức.
Với kinh nghiệm thực chiến tại nhiều địa điểm khắc nghiệt trên thế giới, nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim tài liệu người Đức Sven Zellner sẽ trao đổi và thảo luận cùng các nhà làm phim để rút ra những điều cần lưu ý khi sản xuất phim và đóng góp vào hoạt động bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Theo Sven Zellner, trong lĩnh vực làm phim tài liệu, việc nắm bắt tính bền vững không chỉ cần thiết để giảm tác động đến môi trường và xã hội mà còn thúc đẩy cách kể chuyện có đạo đức. Khi thực hiện đề tài, Zellner tập trung vào việc tìm kiếm cách thể hiện và ngôn ngữ điện ảnh phù hợp cho từng dự án và luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro sáng tạo cũng như tìm ra những cách mới để kể câu chuyện trong phim tài liệu và phim truyện. Với tư cách là nhà sản xuất, anh hướng tới sự bền vững trong việc làm phim tài liệu và viễn tưởng.
Ngoài ra, hội thảo cũng có sự tham gia của diễn giả Trần Phương Thảo - đạo diễn, nhà làm phim tài liệu độc lập. Phương Thảo đã thực hiện bộ phim đầu tay Giấc mơ là công nhân năm 2006 và được ghi nhận tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Năm 2011, Trần Phương Thảo cùng với 4 nhà làm phim trẻ thành lập Varan Vietnam - nhằm tổ chức các trại sáng tác dành cho các nhà làm phim trẻ.