Quy định về bồi thường
Các cơ quan, doanh nghiệp cố tình phát triển các hoạt động AI bị cấm có thể bị phạt nặng, lên tới 40 triệu euro (43 triệu USD) hoặc số tiền tương đương với 7% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của một doanh nghiệp, tùy theo mức nào cao hơn.
Dự luật cũng quy định rõ sẽ chỉ áp dụng yêu cầu bồi thường mà thiệt hại do việc sử dụng AI trực tiếp gây ra. Yêu cầu bồi thường không áp dụng trong các khiếu nại trách nhiệm dân sự trong đó thiệt hại là do đánh giá của con người và những hành vi trực tiếp của con người, còn hệ thống AI chỉ cung cấp thông tin hoặc lời khuyên đã được tác nhân có liên quan tính đến. Trong trường hợp thứ hai, có thể xác định thiệt hại do quyết định cuối cùng của con người, vì việc sử dụng AI không phải là khâu cuối cùng trong chuỗi hành động đi đến hậu quả.
Những quyết định như vậy còn phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia thành viên EU, nhưng chúng ta có thể nói rằng đây thực sự là một bước đi lịch sử. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có tiềm năng to lớn có thể được sử dụng tích cực để phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đó là lý do tại sao đạo luật của EU đang cố gắng quản lý chứ không cấm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Thư ngỏ của 100 doanh nghiệp
Tất nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ không thích “gọng kìm” mới này. Trong một bức thư ngỏ gửi tới các nhà lập pháp EU vào ngày 30.6, giám đốc điều hành từ các công ty bao gồm Siemens (SIEGY), Carrefour (CERF), Renault (RNLSY) và Airbus (EADSF)... đã nêu ra “những lo ngại nghiêm trọng” về dự luật AI của EU. Trong số những người ký tên trong thư ngỏ có cả những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như ông Yann LeCun, Trưởng bộ phận AI của Meta (FB) và Hermann Hauser, người sáng lập hãng sản xuất chip ARM của Anh.
“Theo đánh giá của chúng tôi, dự thảo luật sẽ gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh và chủ quyền công nghệ của châu Âu mà không giải quyết hiệu quả những thách thức mà chúng ta đang và sẽ phải đối mặt”, nhóm hơn 160 giám đốc điều hành cho biết trong bức thư.
Họ lập luận rằng các quy tắc dự thảo đã đi quá xa, đặc biệt là trong việc điều chỉnh các mô hình nền tảng và AI tạo sinh, công nghệ đằng sau các chatbot phổ biến như ChatGPT.
Theo các giám đốc điều hành, dự luật của EU áp dụng một cách rộng rãi như vậy có thể đẩy các công ty và nhà đầu tư ra khỏi châu Âu vì họ sẽ phải đối mặt với những “rủi ro trách nhiệm pháp lý không tương xứng”.
Nhóm viết: “Quy định như vậy có thể dẫn đến việc các công ty có tính sáng tạo cao chuyển hoạt động ra nước ngoài” và các nhà đầu tư rút vốn khỏi châu Âu. Kết quả sẽ là khoảng cách năng suất nghiêm trọng giữa hai bờ Đại Tây Dương”.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi thành lập một hội đồng quản lý gồm các chuyên gia giám sát các nguyên tắc trong dự luật và đảm bảo chúng có thể liên tục thích ứng với những thay đổi trong ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng.
Nhóm cũng kêu gọi các nhà lập pháp làm việc với các đối tác Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp EU nên cố gắng “tạo ra một sân chơi bình đẳng có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, các giám đốc điều hành viết. Nếu những biện pháp như vậy không được thực hiện, điều này có thể làm ảnh hưởng đến vị thế trên trường quốc tế của châu Âu, nhóm cảnh báo.
“Giống như việc phát minh ra Internet hay sự đột phá của chip silicon, AI tạo sinh là loại công nghệ sẽ quyết định tầm quan trọng của từng khu vực”.
Brando Benifei, một thành viên Quốc hội Italy, người đi đầu trong quá trình soạn thảo dự luật, cho biết: “chúng tôi sẽ lắng nghe tất cả các mối quan tâm và các bên liên quan khi xây dựng quy định về AI, nhưng chúng tôi cam kết sẽ đưa ra các quy tắc rõ ràng và có thể thực thi được”.
Ông Brando nói: “Công việc của chúng tôi có thể ảnh hưởng tích cực đến định hướng toàn cầu khi giải quyết vấn đề trí tuệ nhân tạo và tác động của nó đối với các quyền cơ bản mà không cản trở sự đổi mới cần thiết”.