Tham dự Hội thảo, nhiều ý kiến chỉ rõ những bất hợp lý. Theo pháp luật về báo chí hiện hành, Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ Văn hóa, Thông tin ban hành thì các bộ, ngành hiện đang có quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình, từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính. Từ bất hợp lý này, nhiều bộ, ngành đã soạn thảo các Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình bao gồm xử lý cả thông tin báo chí nêu về ngành với nhiều mức phạt khác nhau, đối với nhiều chủ thể khác nhau. Điều này đã gây ra sự chồng chéo về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” có thể hạn chế tính phản biện, phê bình của báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí.

Theo ý kiến của nhiều nhà báo, việc báo chí thông tin sai sự thật cũng có nguyên nhân từ việc cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực không tuân thủ đúng quy định tại Điều 3 Nghị định 51/2002, Điều 8 Luật Báo chí và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Biểu hiện cụ thể là nhiều cơ quan nhà nước chậm cung cấp thông tin; cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí. Đồng thời các ý kiến đề nghị hủy bỏ tất cả các điều khoản quy định về xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí ở 08 Nghị định do các bộ, ngành ban hành, đồng thời không bổ sung thêm Điều 8a như dự thảo và không quy định thẩm quyền xác định hành vi thông tin sai sự thật cho các bộ, ngành. Thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông xác định và xử phạt hành vi thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản. Đồng thời, bổ sung chế tài đối với cơ quan nhà nước vào Điều 9 của Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản khi chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai, cung cấp thông tin không đầy đủ…