Hàng Việt đã và đang khẳng định vị thế tại thị trường trong nước. Nhiều sản phẩm đã tạo được uy tín và được người tiêu dùng đánh giá cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hoạt động rất tích cực, nỗ lực đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ người dân.
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm đến sự an toàn đối với sức khỏe. Chình vì vậy các doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành hợp lý, bảo đảm chất lượng, tiện ích, từ đó đã giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với nhiều loại hàng hóa cùng loại nhập ngoại.
Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, ứng dụng khoa học và công nghệ để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với những biến động trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới quy trình quản lý, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - TS Võ Trí Thành cho rằng doanh nghiệp cần phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, củng cố lại sản phẩm của mình và chất lượng sản phẩm tốt chính là "giấy thông hành" để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. Chất lượng hàng hóa cũng đã được cải thiện rồi thì cũng cải thiện hơn nữa để làm sao là phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Ông Thành cũng đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, vì vậy hoạt động này cần tập trung nhiều hơn cho phân khúc thị trường nông thôn. Đây là khu vực có quy mô dân số lớn, thu nhập của người dân đã dần được thu hẹp so với khu vực thành thị nên dư địa còn rất nhiều để có thể khai thác.
Vì vậy cần nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu, đưa hàng về nông thôn. Đòi hỏi sự năng động của các doanh nghiệp trong việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.