Lấy dữ liệu cá nhân người khác đi lừa đảo, làm giả tài khoản ngân hàng
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Huế (sau đây gọi tắt là Phòng An ninh mạng), thời gian qua, tình trạng mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân trên không gian mạng diễn ra ra ngày càng phức tạp, tinh vi gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Việc dữ liệu cá nhân bị mua bán công khai hóa trái phép là điều kiện để phát sinh các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, cưỡng đoạt, chiếm đoạt tài sản, làm giả tài khoản ngân hàng, khủng bố tinh thần đòi nợ…
Liên quan đến đường dây mua bán hơn 56 triệu dữ liệu cá nhân do Lê Công Định (sinh năm 1997, trú tại TP. Hà Nội); Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1999) và Dương Thanh Lâm (sinh năm 1982, cùng ngụ TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu, Cơ quan An ninh điều tra (Công an TP. Huế) cho biết, xuất phát từ nghề làm “cò” môi giới bất động sản nên Định nắm được các phương thức, thủ đoạn mua bán dữ liệu cá nhân. Nhóm này thực hiện việc mua bán trên các trang mạng, “nhóm kín” với hàng chục ngàn thành viên. Việc mua, bán dữ liệu cá nhân gồm: Căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, vị trí công tác, nơi làm việc, nơi ở của công dân. Chính từ những thông tin này mà công dân bị “rò rỉ” dữ liệu thường xuyên phải nhận các cuộc điện thoại mời chào bảo hiểm, đầu tư chứng khoán hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ vào các chiêu trò đầu tư tài chính ảo đang nở rộ… Thậm chí, có trường hợp lãnh đạo công ty, doanh nghiệp, đơn vị bất ngờ nhận được các cuộc gọi của kẻ lạ yêu cầu xử lý cán bộ cấp dưới, công nhân viên vì người này "có vi phạm", "bị nợ tiền"…

Công an thành phố Huế triệt phá đường dây mua bán hơn 56 triệu dữ liệu cá nhân. Ảnh: AN
Theo một lãnh đạo Phòng An ninh mạng (Công an TP. Huế), chính những thông tin ban đầu thu thập được từ các phản ánh của công dân cũng như qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã phát hiện đường dây mua bán trái phép dữ liệu cá nhân của công dân trên toàn quốc, thực hiện hành vi mua bán gần 56 triệu thông tin dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Hành vi của các đối tượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, tạo điều kiện hoặc tiếp tay để các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội khác, cần phải xử lý nghiêm theo quy định.
Khuyến cáo người dân cẩn trọng
Ngay sau khi phá thành công chuyên án mua bán hơn 56 triệu dữ liệu cá nhân, để phòng ngừa hậu quả do hoạt động phạm tội này gây ra, Công an thành phố Huế đã phát đi cảnh báo thủ đoạn mua, bán dữ liệu cá nhân. Thượng tá Mai Văn Toàn - Trưởng phòng An ninh mạng (Công an thành phố Huế) khuyến cáo: Người dân khi sử dụng các nền tảng trên không không gian mạng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu (sử dụng mật khẩu mạnh, đủ dài, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt); sử dụng xác thực hai yếu tố; cẩn thận khi chia sẻ thông tin cá nhân cho người khác. Công dân cần kiểm tra, xác thực thông tin khi có yêu cầu từ những người tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên các ngân hàng, nhà mạng... đề nghị cung cấp thông tin cá nhân.
Đối với các đơn vị, tổ chức có lưu trữ, quản lý dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Triển khai biện pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng thông tin cá nhân theo đúng quy định của pháp luật; Khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu về các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp thì kịp thời báo ngay lực lượng chức năng gần nhất để được giải quyết.
Theo Bộ Công an, hiện nay, trong hệ thống pháp luật chỉ có một văn bản là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17.4.2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản Luật nào quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực, quan hệ của đời sống, xã hội, chưa tương thích với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được nêu trong Hiến pháp năm 2013, cùng các quy định liên quan tới “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin số”; “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”; “thông tin bí mật đời tư”... được nêu trong một số văn bản Luật hiện hành.
Do đó, từ tháng 9.2024, Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; trong đó, quy định cụ thể các nội dung về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh; biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân... Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật này tại kỳ họp 9 (tháng 5.2025) và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2025.