Tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 4%
Điều 56, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định một trong những điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là phải có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, chủ xe máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với mức phí bảo hiểm 60.500 đồng hoặc 66.000 đồng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Trong trường hợp có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng bảo hiểm sẽ chi trả tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn; trường hợp thiệt hại về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Tại Việt Nam, mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn. Do đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy được triển khai với mục tiêu nhân văn: chẳng may gây tai nạn cho ai đó, bảo hiểm sẽ đền, nhờ vậy người gây tai nạn giảm bớt gánh nặng tài chính, còn nạn nhân có tiền chữa trị... Mục tiêu tốt đẹp là vậy, nhưng nhiều năm nay chính sách bảo hiểm này đang bị người tiêu dùng “quay lưng”.
Anh Nguyễn Xuân Kỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, anh và người thân nhiều lần đi xe máy xảy ra va chạm giao thông nhưng chưa lần nào làm thủ tục chi trả bảo hiểm. “Tôi thấy thủ tục, giấy tờ chi trả bảo hiểm xe máy rất phức tạp, mất thời gian mà số tiền chi trả cũng chẳng được bao nhiêu nên thường chúng tôi sẽ tự giải quyết với nhau” anh Kỳ chia sẻ.

Chính sách bảo hiểm đối với xe mô tô, xe máy không thực sự phát huy tác dụng
Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 11 tháng năm 2024, tổng doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự là 736,9 tỷ đồng; ước tính chi phí bồi thường là 28,5 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ bồi thường khoảng 4%. Có thể thấy, tỷ lệ bồi thường hiện nay ở mức thấp.
Thay đổi để phát huy hiệu quả
Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhận định rằng, thực tế cho thấy bảo hiểm mô tô, xe máy đóng vai trò rất mờ nhạt trong việc chia sẻ rủi ro khi xảy ra tai nạn, người dân mua bảo hiểm mô tô, xe máy đa số chỉ mang tính “chống chế”. Bởi lẽ, thủ tục hưởng bồi thường bảo hiểm tương đối phức tạp, tốn thời gian, gây khó khăn cho người thụ hưởng song mức bồi thường bảo hiểm lại rất thấp.
Cụ thể, sau khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời, thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Ngoài ra, chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn... Đặc biệt, ngoài bản thông báo tới doanh nghiệp bảo hiểm, với hàng loạt thông tin phải kê khai, chủ xe phải hoàn thành, tập hợp đủ tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường. Đáng chú ý, với các doanh nghiệp bảo hiểm, do đây là bảo hiểm bắt buộc, tất cả chủ xe cơ giới đều có trách nhiệm phải mua nên chất lượng phục vụ khách hàng của các công ty bảo hiểm cũng không được quan tâm đúng mức.
Do đó, các chuyên gia kiến nghị, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nên được dựa trên sự tự nguyện của người dân. Nhà nước dần điều chỉnh quy định hiện hành sao cho việc mua bảo hiểm xe máy trở thành hình thức tự nguyện chứ không phải bắt buộc như hiện nay. Bên cạnh đó, nếu việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là tự nguyện cũng sẽ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm nhiều hơn.
Còn ngay bây giờ, để tạo niềm tin của người dân việc cần làm ngay là các doanh nghiệp bảo hiểm cần có cơ chế sát sao, kịp thời, khẩn trương hỗ trợ, giải quyết quyền lợi cho chủ xe cơ giới khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đồng thời, Bộ Tài chính phải có giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong khâu ghi nhận và bồi thường bảo hiểm; thiết lập đường dây nóng để các chủ xe cơ giới có thể kịp thời phản ánh về việc các doanh nghiệp bảo hiểm từ chối hoặc trì hoãn việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm và có cơ chế xử lý nghiêm khắc, rõ ràng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm bị phản ánh.
Bảo hiểm xe mô tô - xe máy vẫn là một trong những giấy tờ quan trọng khi tham gia giao thông
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BCA quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Thông tư có hiệu lực từ 1.1.2025.
Trong đó có nội dung Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó có bảo hiểm xe máy và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định.