Theo đại biểu, cần xem xét lại quy định giao dịch về mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai không bắt buộc phải có giấy chứng nhận tại điểm a khoản 2 Điều 158 dự thảo cho phù hợp với quy định tại Điều 46 Luật đất đai nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Khoản 1 Điều 46 Luật đất đai sửa đổi quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất... là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...”, đại biểu Nguyễn Như So lý giải.
Về đối tượng và hình thức được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, ĐBQH Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) đề nghị cân nhắc chỉnh lý theo hướng tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở là căn hộ chung cư tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại thuộc khu vực được phép sở hữu; không nên quy định họ được phép mua, sở hữu nhà ở riêng lẻ cho phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quốc Tỏ kiến nghị mở rộng các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được hưởng chính sách về nhà ở tại dự thảo Luật là rất cần thiết, giúp bảo đảm điều kiện cuộc sống cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng yên tâm công tác.
Đại biểu đề nghị bổ sung loại hình nhà ở riêng lẻ cho phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là tại các khu vực đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo, nông thôn, miền núi, tại các địa phương còn quỹ đất có thể bố trí xây dựng nhà ở riêng lẻ cho lực lượng vũ trang nhân dân. “Nếu chỉ quy định 1 hình thức nhà ở xã hội là nhà chung cư thì sẽ không phù hợp”, ĐBQH Trần Quốc Tỏ nêu.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng cần nghiên cứu bổ sung khái niệm ‘nhà ở có thời hạn”, từ đó hình thành thị trường cho loại hình bất động sản này vận hành minh bạch, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn sản phẩm nhà ở với mức giá tương ứng với thời hạn sở hữu nhà, thời hạn sử dụng đất và phù hợp với thu nhập.
“Trên thực tế thị trường đã tồn tại loại hình nhà ở có thời hạn. Việc không quy định rõ loại hình “nhà ở có thời hạn” tương đồng với thời hạn sử dụng đất và mục đích sử dụng đất, có hay không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến sự minh bạch trong hoạt động quản lý cũng như hoạt động giao dịch, mua bán của người dân”, đại biểu Trần Thị Vân nêu.
Đại biểu Trần Thị Vân cũng lưu ý, dự án luật Nhà ở (sửa đổi) thuộc nhóm 3 dự án Luật có nội dung liên quan mật thiết với nhau và đều được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, về sự đồng bộ giữa 3 dự án Luật, vẫn có những nội dung chưa thống nhất. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.