Chưa đủ nguồn lực đầu tư cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải
Giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới để hồi sinh các “dòng sông chết” do ô nhiễm trầm trọng, không thể sử dụng nước sông vào bất cứ mục đích gì, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là câu hỏi được ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt ra với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, 4.6.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Tài nguyên nước đã có nội dung về phục hồi các "dòng sông chết". Hiện nay, các sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu thực chất đang ô nhiễm nặng còn “dòng sông chết” nghĩa là vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy. “Các sông nói trên không phải dòng sông chết", Bộ trưởng nói.
Thời gian qua, các địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu các dòng sông ô nhiễm, nguyên nhân chính là do các khu công nghiệp và làng nghề xả thải ra các dòng sông này cũng như chưa đủ nguồn lực đầu tư cho hệ thống thu gom, hệ thống xử lý nước thải.
Nhấn mạnh giải pháp căn cơ là phải giữ được nước, nước chảy tự nhiên với lưu lượng nước lớn, điều hòa được dòng chảy, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương cần chung tay với nhau để thu gom, xử lý nước thải đồng bộ. Về vấn đề quản lý, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7 tới.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban Quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ, ngành để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.
Quan trọng là tạo được dòng chảy để hòa tan, lưu thông
Ở góc độ khác, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ, theo báo cáo của Bộ, nước thải từ đô thị, làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nuớc thải phát sinh. Trong khi đó, nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp.
"Đây là vấn đề đã nêu qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá như thế nào về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều thì xử lý nước thải càng ít, và tình trạng đô thị xả thải còn nông thôn thì gánh chịu ô nhiễm. Bộ đã xử lý trường hợp vi phạm nào chưa?
Ngoài giải pháp thành lập Ủy ban Lưu vực sông, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị, làng nghề lớn và bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng gây ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy nhiều năm gần đây đúng là ô nhiễm và chưa được cải thiện, đặc biệt là nguồn thải của Hà Nội vào sông Nhuệ - Đáy chiếm 65%. Toàn sông Nhuệ - Đáy có khoảng 1.982 nguồn xả từ các cơ sở ở làng nghề; 1.662 nguồn thải từ cơ sở sản xuất kinh doanh; 39 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thời gian qua, Bộ đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước mặt.
Ngoài ra, các điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online. Bộ cũng sẽ tổ chức đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.
Về thu gom, xử lý chất thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy. Đồng thời, đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chung tay bảo vệ.
"Thời gian tới, đầu tư công cũng cần quan tâm tới hệ thống thủy lợi, lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải", Bộ trưởng nói.
Tranh luận với Bộ trưởng về xử lý các “dòng sông chết” cần thời gian và nguồn lực, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã được thành lập đến nay là 5 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ cần thời gian bao lâu nữa và việc xây dựng, triển khai đề án về nguồn lực để xử lý tổng thể tình trạng ô nhiễm các dòng sông hiện nay?
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thực chất các dòng sông ô nhiễm liên quan đến nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an, các địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm liên quan đến môi trường; trong đó, kiểm tra, giám sát những nơi đã có hệ thống xử lý nước thải.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương trên các lưu vực sông đã tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát và sau đó có những kiểm tra đột xuất cũng như xử lý nghiêm các vi phạm.
"Quan trọng là phải tạo được dòng chảy để hòa tan, lưu thông. Thời gian tới, sẽ có trạm bơm ở khu vực Bắc Hưng Hải; xây dựng dự án nạo vét trầm tích, bùn lắng đọng để khơi thông, tạo thêm dòng chảy cho các sông. Bộ cũng đang xây dựng đề án thí điểm tổng thể đối với sông Bắc Hưng Hải và sông Nhuệ - Đáy", Bộ trưởng cho biết.