- Thưa ông, một vấn đề rất quan trọng để tái cơ cấu DNNN thành công là hoàn thành cơ chế người đại diện. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trước hết có thể nói vấn đề chủ sở hữu và người đại diện là một chủ đề quan trọng liên quan đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, hình thành và phát triển thị trường chứng khoán, các định chế tài chính.
Để có thể đánh giá được những “hạn chế” về các cơ chế chính sách đối với người đại diện vốn tại doanh nghiệp, theo tôi cần phải xem xét đánh giá rõ về mặt khái niệm và mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện. Trên cơ sở đó mới tiến hành đánh giá các cơ chế chính sách liên quan đến nhóm đối tượng này. Thông thường, chủ sở hữu là chủ của các nguồn lực và người đại diện là người được ủy quyền (hoặc được thuê) của chủ sở hữu nguồn lực và được chủ sở hữu nguồn lực trao một số quyền nhất định đối với nguồn lực của người chủ sở hữu nhằm phục vụ lợi ích của chủ sở hữu.
Đối với các doanh nghiệp nói chung, có thể xác định ban lãnh đạo doanh nghiệp và những người làm công là người được thuê để tối đa hóa lợi nhuận từ hoạt động của doanh nghiệp cho chủ sở hữu và các cổ đông. Đối với doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước ở Việt Nam, người đại diện là người được chủ sở hữu vốn nhà nước (Thủ tướng Chính phủ; Bộ, UBND cấp tỉnh; Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn - SCIC; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu) chỉ định, cử hoặc ủy quyền, thuê để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia.
Về mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện tại doanh nghiệp do chưa có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền điều hành nên theo tôi luôn có xu hướng người đại diện tại doanh nghiệp “tư lợi” cho họ hơn là hành động vì người chủ sở hữu và các cổ đông. Do vậy, cần có những quy định ràng buộc chặt chẽ khi thực hiện mối quan hệ này. Chủ sở hữu cần phải xây dựng một “luật chơi” một cách rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu nhằm đánh giá được đầy đủ chất lượng lao động gắn với hiệu quả của doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải xây dựng chế độ trách nhiệm rõ ràng, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người đại diện khi hoàn thành tốt nhiệm vụ về tài chính, sự thăng tiến cũng như chế độ xử phạt minh bạch, nghiêm minh khi họ không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ năng lực hoặc tư lợi cá nhân trong quá trình thực thi.
- Thưa ông, một số ý kiến cho rằng sai phạm ở Vinashin, Vinalines một phần vì sự tê liệt của giám sát nội bộ - trách nhiệm không nhỏ của người đại diện, vậy các cơ chế chính sách sắp tới đã khắc phục tình trạng này thế nào?
- Việc tăng cường giám sát trong nội bộ doanh nghiệp đã được đề cập trong Đề án Tái cơ cấu DNNN. Theo đó, có giải pháp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước, áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước theo các nguyên tắc, thông lệ quản trị quốc tế; tăng cường trách nhiệm giải trình của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ; nghiên cứu quy định cơ chế đặc thù về tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (nếu cần) để tăng cường tính pháp lý và tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động có hiệu quả; tăng cường năng lực, quyền hạn của ban kiểm soát, kiểm soát viên và bộ phận kiểm toán nội bộ; nâng cao năng lực, quyền hạn, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, đủ năng lực và đạo đức cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cơ cấu và sau khi tái cơ cấu; có chiến lược đào tạo bồi dưỡng bài bản đội ngũ các nhà quản lý, điều hành (cán bộ quản lý nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, giám đốc điều hành) theo chuẩn mực quốc tế và văn hóa Việt Nam; xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp; xây dựng cơ chế thuê Tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; xây dựng và thực hiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban điều hành, đồng thời có chế độ đãi ngộ và gắn trách nhiệm tương xứng với hiệu quả công việc.
Một vấn đề nữa là cần khẩn trương hướng dẫn việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước theo hướng siết lại quyền và trách nhiệm của người đại diện vốn chặt chẽ hơn bởi coi người đại diện là công chức thì các quy trình đánh giá, khen thưởng hay bãi miễn đều phức tạp hơn; đồng thời cần quy định chặt chẽ rút kinh nghiệm trong việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đối với những cán bộ đang có “biểu hiện” vi phạm.
- Một vấn đề cơ bản đáng quan tâm hiện nay là mặc dù có những người đại diện đã nhận lương, thưởng tại nhiều doanh nghiệp, nhưng khi xảy ra trách nhiệm gần như không xử lý được họ. Vậy sắp tới các chế tài có được sửa đổi để trói chặt hơn không?
- Trong cơ chế về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu sẽ quy định rõ các nguyên tắc về tiền lương, tiền thưởng, tiêu chuẩn, chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát đối với người đại diện. Người đại diện chuyên trách sẽ được hưởng lương, tiền thưởng do doanh nghiệp trả. Người đại diện kiêm nhiệm không tham gia chuyên trách thì chủ sở hữu quyết định chi trả tiền lương và các quyền lợi khác trong đó có tiền phụ cấp người đại diện. Đồng thời, trong cơ chế giám sát tài chính cũng quy định rõ chế tài xử lý vi phạm đối với cả người đại diện và cơ quan được phân công thực thi quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.
Như vậy, người đại diện sẽ phải nộp lại các khoản thu nhập từ việc được chủ sở hữu cử tham gia đại diện vốn tại các doanh nghiệp, Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu sẽ tập trung nguồn thu này về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để chi trả cho người đại diện một cách tương xứng, có thể thông qua hình thức ký kết các hợp đồng với mức lương, thưởng cao gắn với hiệu quả. Còn việc để xảy ra vi phạm thì ngoài việc điều chỉnh giảm mức lương, thưởng theo hợp đồng, bồi thường thiệt hại vật chất, thu hồi chứng chỉ người đại diện vốn nhà nước, xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ công chức sẽ áp dụng cả biện pháp truy cứu trách nhiệm theo quy định.
- Xin cảm ơn ông!