- Mở rộng hình thức đầu tư để khai thác nguồn lực
- NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Cho thuê khai thác mặt bằng sẽ thêm phúc lợi, thêm động lực cho người lao động
- Ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao I - Cục Thể dục thể thao: Muốn nâng cao thành tích, phải có thiết chế thể thao xứng tầm
Doanh nghiệp vẫn đang chờ
Trong 10 thiết chế làm rạp chiếu phim, chỉ 6 thiết chế có 3 cụm rạp trở lên, trong đó có 1 doanh nghiệp nhà nước duy nhất là Trung tâm chiếu phim quốc gia, còn lại đều của nước ngoài và tư nhân. Hàn Quốc chiếm 65% thị phần phòng chiếu, còn lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành điện ảnh, thế nhưng, chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân còn rất hạn chế. Đây là nhận định của Tổng giám đốc Công ty BHD Ngô Bích Hạnh tại Hội thảo Văn hóa 2024.
Theo bà Ngô Bích Hạnh, Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa có chính sách mới gì về thuế cho các doanh nghiệp làm điện ảnh. Thậm chí, dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đang đề xuất tăng thuế cho rạp chiếu từ 5% lên 10%, nên các doanh nghiệp thực sự khó khăn. Phí quá cao cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp rạp chiếu phim ở Việt Nam. “Các thiết chế đều đang chịu tiền thuê đất quá cao, trong lúc các rạp phải thuê chủ yếu ở trung tâm thương mại với mức giá tương tự thuê quán ăn hay cửa hàng... Nhà nước có chính sách gì để chúng tôi được hưởng một mức thuế phù hợp hơn? Liệu rằng có thể ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp làm văn hóa hay không? Những vấn đề này chúng tôi vẫn đang chờ…”, bà Ngô Bích Hạnh nói.
GS. TS. Thái Kim Lan, Việt kiều Đức, người sáng lập Bảo tàng gốm cổ Sông Hương (Huế) chia sẻ, Bảo tàng cũng gặp nhiều khó khăn. “Bảo tàng tư nhân là một nguồn lực ý nghĩa đóng góp vào đời sống văn hóa. Tuy nhiên, khó khăn của chúng tôi chính là đất và cơ sở pháp lý để chúng tôi có thể tin tưởng vào sự phát triển vững chắc, lâu dài. Như Bảo tàng gốm cổ Sông Hương hiện được xây dựng trên đất của gia tộc. Còn việc phát triển ở cơ sở khác rất khó khăn. Chúng tôi đã xin tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng Bảo tàng Áo dài, nhưng 2 - 3 năm rồi vẫn đợi”.
Thực tế đến nay, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo cơ chế, chính sách đầu tư cho bảo tàng ngoài công lập. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải, từ năm 2020, ngành văn hóa, thể thao đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi cho hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Chính sách đó có 5 ưu đãi về thuê cơ sở nhà đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ quảng bá, tạo vật phẩm đặc trưng cho bảo tàng, đặc biệt là cơ chế phối hợp công - tư. Từ đó, tạo nên những điểm sáng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Huế vẫn đang xoay xở trong hệ thống chính sách hiện có.
“Băn khoăn ở chỗ tại sao có chính sách hỗ trợ mà áp dụng rất khó khăn? Trên thực tế, khi xây dựng đề án xây dựng bảo tàng tư nhân, ngành tài chính vẫn áp theo quy định chứ không hề có ưu đãi. Thừa Thiên Huế duy nhất có Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn là bảo tàng tư nhân được miễn thuế đất trong 30 năm. Đây là trường hợp đặc biệt”, ông Phan Thanh Hải nói.
Chính sách thống nhất, cụ thể
Tạo cơ chế, chính sách ưu đãi cho hệ thống thiết chế làm rạp chiếu phim hay phát triển hệ thống bảo tàng tư nhân cần môi trường thể chế, chính sách để xã hội có thể tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành hiệu quả. Nhìn riêng góc độ bảo tàng tư nhân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, cần nhận thức rằng thiết chế này góp phần quan trọng vào hệ thống các thiết chế giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. “Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ họp tới, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng. Chúng tôi xây dựng dự thảo Luật theo hướng cắt giảm thủ tục, điều kiện nhưng bảo đảm tiêu chí để bảo tàng tư nhân phát triển đúng theo quan điểm về văn hóa của Đảng, Nhà nước. Hy vọng đây sẽ là cơ sở khuyến khích bảo tàng tư nhân phát triển”.
Cách tiếp cận hiện nay về việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư trong lĩnh vực văn hóa đang đi đúng hướng, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vấn đề khiến thực tế chưa đạt như kỳ vọng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc lý giải, do chúng ta chưa thống nhất, rạch ròi vai trò của từng khu vực đầu tư.
Về lý thuyết, có ba khu vực: Nhà nước, tư nhân và các tổ chức hội, đoàn. Ba khu vực này có vai trò trong việc tổ chức, thúc đẩy văn hóa ở quy mô, mức độ và đối tượng khác nhau. Cụ thể, khi tiếp cận về đầu tư, văn hóa và thể thao là hai lĩnh vực cần được xã hội hóa, thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt. Theo đó, vốn đầu tư từ Nhà nước sẽ mang tính chất “mồi”, định hướng. Còn khu vực tư, với những dự án có lợi nhuận, vai trò của Nhà nước thể hiện ở việc kiểm tra, giám sát, khuyến khích với ưu đãi ở mức cao nhất.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, phải thống nhất quan điểm đâu là khu vực đầu tư công, đầu tư tư và đâu là khu vực sẽ kết hợp các hình thức này. "Trên thực tế, đầu tư cho văn hóa, kể cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài, còn rất khiêm tốn. Đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, hiện tổng số dự án chỉ khoảng 145 dự án, với số vốn khoảng 3 tỷ USD, tức là chiếm 0,36% tổng các dự án FPI vào Việt Nam và chiếm 0,19% tổng số vốn đăng ký FPI, là con số rất nhỏ. Bởi vậy, rất cần có thêm cơ chế, chính sách thống nhất, điều chỉnh cụ thể để thu hút được tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này".