Về việc bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại điều 3, đa số đại biểu đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Việc mở rộng đối tượng người lao động là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh quy định tại điểm l, khoản 1, mà không mở rộng đối tượng tham gia là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người), theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), Ban soạn thảo cần cân nhắc bởi trong giai đoạn khó khăn như hiện nay có những hộ đăng ký kinh doanh thời gian chỉ 1 năm, thậm chí chưa tới 1 năm thì công việc không thuận lợi nên không kinh doanh nữa. Do đó, để mở rộng đối tượng này cần tính toán, cân nhắc kỹ trong việc thực thi.
Đối với việc xác định người sử dụng lao động, mức đóng bảo hiểm xã hội khi bổ sung nhóm người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố tại điểm i, khoản 1 có được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hay không?
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, cần phải quy định rõ, kỹ càng hơn đối với người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, cấp phố khi thanh toán chế độ ốm đau ai là người xác nhận, khi kiểm tra giám sát ai là người thực hiện. Khi đưa những người này vào bảo hiểm xã hội bắt buộc cần quy định rõ các chế độ đi theo.
Về quy định điều chỉnh số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm như dự thảo, theo ĐBQH Nguyễn Thị Thanh là phù hợp, tạo điều kiện những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn và những người tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục đến khi về hưu vẫn chưa đủ 20 năm. Mặc dù trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng dù khiêm tốn còn hơn là không có. Với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng, được quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm mức sống tổi thiểu, ít nhất được mức sàn an sinh xã hội. Nhất là trong tình hình khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống giúp nhiều người có cơ hội đóng bảo hiểm xã hội và có lương hưu là cần thiết.
Đối với thời hạn chu kỳ báo cáo mức thu, phí bảo hiểm xã hội, hiện luật hiện hành quy định là 3 năm. Còn theo dự thảo luật mới quy định 5 năm. Theo đại biểu, quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất nên cần giám sát một cách thường xuyên để các cơ quan giám sát có những cảnh báo sớm những xu hướng tác động có thể ảnh hưởng đến an toàn quỹ, từ đó kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, nên giữ nguyên thời gian 3 năm như luật hiện hành.