Bảo đảm quyền lợi của người dân bị thu hồi đất
Trước khi thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến ĐBQH thảo luận tại Tổ. Trong đó, Bộ khẳng định: Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% không bảo đảm phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Do vậy, dự thảo Luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất.
Về nguyên tắc áp dụng bảng giá đất đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 164 dự thảo Luật. Về việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí, vùng giá trị, thửa đất chuẩn mang tính chuyên môn, kỹ thuật, chi tiết sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành. Về việc xây dựng tiêu chí về quy trình kiểm tra, giám sát trong việc xây dựng bảng giá đất, cơ quan soạn thảo cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện trong dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân. Các đại biểu đều nhất trí cao với việc cần cụ thể hóa một cách tối đa, khả thi chủ trương của Đảng về việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên thực tế, chủ trương này chưa được thực hiện tốt, phần lớn điều kiện nơi ở mới không bằng nơi ở cũ.
Nhấn mạnh sửa đổi Luật cần giải quyết vấn đề này, các đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí xác định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời cần xác định giá trị đền bù đầy đủ các thiệt hại của người dân thuộc diện tái định cư, trong đó phải tính đến những thiệt hại vô hình để giúp người dân ổn định, yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.
Đề xuất bỏ khung giá đất
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí hoan nghênh Quốc hội đã quyết định sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 bởi sau nhiều năm, cuộc sống đã thay đổi nhiều, Luật Đất đai 2013 đã xuất hiệu nhiều vấn đề không còn phù hợp nữa. Theo đại biểu, đất đai là vấn đề mà nhân dân và nhiều cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Đặc biệt, có nhiều vụ tham ô lớn đều liên quan đến đất, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi Luật này.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng “Đất quý hơn vàng” bởi đất không chỉ quý ở giá trị nội tại mà còn quý ở cả giá trị tài sản trên đất, cây cối, vật nuôi trên đất. Giá trị đó còn được gia tăng theo quy hoạch, qua làm đường xá, qua đô thị hóa, qua tổ chức dịch vụ trên đất… Dân số càng đông, đất càng tăng về giá trị, kinh tế càng phát triển, đất càng lên giá.
Góp ý về vấn đề việc bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu rõ, đây là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù giải tỏa. Để thực hiện dự án lớn nhỏ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả. Đồng thời, cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Điều 86 đề cập đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị Luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý nhất việc dự án tự thỏa thuận vì đây là điểm nghẽn, tắc nghẽn lớn trong thực tiễn khi triển khai các dự án hiện hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội. "Đề nghị chính quyền địa phương phải triển khai đền bù giải tỏa theo quy định của pháp luật để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án", ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng đánh việc chia đất, phân lô, bán nền có thể nói là một cách làm lạc hậu, gây tốn kém quỹ đất, dễ tiêu cực, đặc biệt là xây dựng lô nhô, lắt nhắt, phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có giải pháp để đưa vùng đất đang bị bỏ rơi, bị hoang hóa, không quy hoạch, không được sử dụng thì được đưa vào sử dụng hiệu quả và hữu ích.
Còn ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, sửa đổi luật là phải tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Về quy hoạch sử dụng đất, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, quy hoạch đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ngoài ra, sửa đổi Luật Đất đai phải có sự rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất vẫn phải sửa đổi nhiều luật hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi. Ngoài ra, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để Luật Đất đai (sửa đổi) khi đưa vào có thể phát huy ngay tác dụng.