Quảng bá thương hiệu cà phê ra thị trường thế giới
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 7 năm (2017 - 2023) thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-HĐND, nhiều nội dung đã đạt mục tiêu đề ra. Năm 2023, sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt 513.243 tấn, tăng 14% so với mục tiêu. Diện tích cà phê tái canh được triển khai thực hiện theo kế hoạch; tổng diện tích cà phê có chứng nhận đạt trên 30.000ha; sản lượng cà phê đạt trên 535.000 tấn, có khoảng 90% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật. Giai đoạn 2018 - 2023, cà phê chế biến sâu được áp dụng công nghệ, quy trình quản lý tiên tiến, trang thiết bị máy móc hiện đại, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt 249.900 tấn, cơ bản đạt mục tiêu. Các mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ được triển khai tốt, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 mô hình với diện tích khoảng 10ha, đạt 100% so với mục tiêu đề án.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tích cực tham gia các chương trình sản xuất cà phê bền vững thông qua việc tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân về sản xuất cà phê 4C, UTZ, RFA... Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường được quan tâm chú trọng, đã xây dựng được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột điểm đến của cà phê thế giới gây ấn tượng với bạn bè quốc tế, giúp quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra như: việc giảm diện tích cà phê, duy trì ổn định diện tích 180.000ha không thể thực hiện. Việc áp dụng quy trình sản xuất cà phê có chứng nhận đạt 80% đến năm 2020 không đạt mục tiêu. Các công trình thủy lợi tưới tiêu chỉ đáp ứng được khoảng 30% diện tích cà phê, diện tích cà phê còn lại được tưới từ nguồn sông, suối, ao hồ, giếng. Vì vậy, việc bảo đảm 75 - 80% diện tích cà phê chủ động được nguồn nước tưới khó hoàn thành...
Tham mưu thực hiện hiệu quả Kế hoạch tái canh cây cà phê
Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 24/NQ-HĐND còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về việc tiếp cận nguồn vốn vay tái canh cà phê; chưa có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp sản xuất cà phê với địa phương; hình thức tổ chức sản xuất cà phê chủ yếu vẫn là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún... Do đó, cần thiết xây dựng một nghị quyết mới để phù hợp với thực tế của địa phương nhằm có những cơ chế giám sát chặt chẽ đối với việc phát triển cây cà phê bền vững trên địa bàn trong thời gian tới, nhằm giữ vững được vị thế là thủ phủ cà phê.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển cà phê bền vững, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, tham mưu thực hiện hiệu quả Kế hoạch tái canh cây cà phê giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 24/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, xem xét đề xuất HĐND tỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền, tập huấn vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích cà phê không đủ nguồn nước tưới, không đủ điều kiện cho cây cà phê phát triển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, nhằm triển khai kế hoạch tái canh cà phê bảo đảm hiệu quả; hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích nông dân tập trung thâm canh cà phê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất cà phê có chứng nhận, mã số vùng trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 và 116 của Chính phủ, tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận vốn tín dụng đầu tư tái canh cà phê, máy móc, thiết bị chế biến. Tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích người dân hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thuận lợi cho đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ; liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất cà phê bền vững; tổ chức tập huấn, hỗ trợ liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến công, cán bộ cơ sở về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến.