Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính là yêu cầu đặt ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, song công tác cải cách TTHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng người đứng đầu một số cơ quan chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo; việc rà soát, trình và thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh còn chậm. Hiện còn 714/1.146 quy định đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhưng chưa được thực thi; 808/1.146 TTHC chưa được đơn giản hóa theo 19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý cư dân…
Điều đáng nói, trong quá trình ban hành TTHC, các cơ quan chưa thực sự chú trọng tham vấn lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động khi ban hành TTHC, quy định kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TTHC ban hành đôi khi làm khó cho người dân, doanh nghiệp.
Tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các TTHC là một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ, kịp thời. Còn tình trạng níu kéo, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thiếu phân cấp, phân quyền.
Dù đã có nhiều chuyển biến, song thực tế TTHC vẫn là vấn đề phàn nàn của không ít người dân doanh nghiệp. Tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chạy đi, chạy lại khi thực hiện thủ tục vẫn còn tiếp diễn khi cải cách TTHC của chúng ta vẫn chưa được thực hiện triệt để. Tình trạng “rừng” thủ tục vẫn chưa được khắc phục. Chính điều này đã vô hình trung tạo cơ hội cho một số cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu làm khó người dân, doanh nghiệp.
Thực trạng này đã được chỉ rõ trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chất lượng giải quyết TTHC dù có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật, song cũng phản ánh TTHC tại những lĩnh vực “nhạy cảm” vẫn còn nhiều khó khăn. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí; tiếp đến là giải phóng mặt bằng; bảo hiểm xã hội; phòng cháy, chữa cháy và xây dựng. Trong đó, thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất, chiếm tới 60,81%. Dù tình trạng trả chi phí không chính thức mặc dù duy trì xu hướng giảm, song vẫn có tới 42,6% doanh nghiệp cho biết đang phải chi trả các “chi phí” này trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Khoản chi phí không chính thức không chỉ gây tốn kém, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, cho người dân mà còn làm giảm niềm tin của người dân vào chính quyền, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để khắc phục tình trạng này, một trong những yêu cầu đặt ra các bộ, ngành cần phải thực hiện nghiêm yêu cầu công khai, minh bạch TTHC kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để người dân, doanh nghiệp nắm được. Chính phủ cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc cắt giảm các quy định, TTHC đang là rào cản đối với người dân, doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC đối với lĩnh vực như: đầu tư, kinh doanh và các lĩnh vực xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, y tế. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị kịp thời của cá nhân, tổ chức về quy định, hành vi hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngoài việc minh bạch về quy định, thủ tục, thì việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ là rất cần thiết. Cùng với đó, phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm minh các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.