Sự thay đổi của châu Âu
Những chính trị gia cấp tiến lâu nay vẫn luôn trông cậy vào cử tri trẻ tuổi để bảo vệ sự nghiệp của mình; chỉ mới 5 năm trước, giới trẻ châu Âu đã bỏ phiếu cho các đảng ủng hộ hành động vì khí hậu, công bằng xã hội và cải cách dân chủ. Tuy nhiên, tình hình nay đã đổi khác, và đây không còn là chiến lược chính trị khả thi nữa. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 cho thấy, nhiều cử tri trẻ đã chuyển sang phe cực hữu, tạo điều kiện cho các đảng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, chống nhập cư, chống hội nhập… giành được thắng lợi đáng kể.
Xu hướng này không chỉ giới hạn ở châu Âu, những thanh niên Kenya phản đối các loại thuế mới đã biểu tình vào Quốc hội trong tháng này. Trên khắp thế giới, nền chính trị mới dành cho giới trẻ đang nổi lên. Mặc dù không phải lúc nào cũng liên kết với phe cực hữu, phong trào trên thường phản đối thực trạng, đóng vai trò như lời cảnh báo mạnh mẽ cho các chính trị gia về sự cần thiết phải xem xét lại thông điệp và chiến lược của họ trong việc thu hút các cử tri trẻ bất mãn.
Ở EU, sự chuyển dịch sang phe cực hữu của các cử tri trẻ thể hiện rất rõ ràng. Sau khi ủng hộ áp đảo đảng Xanh vào năm 2019, 16% cử tri Đức dưới 25 tuổi đã bỏ phiếu cho đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) cực hữu trong cuộc bầu cử châu Âu năm nay, đưa đảng này lên vị trí thứ hai sau đảng Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trung hữu và dẫn trước rất xa đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz. Trong khi đó, ở Pháp, 30% số phiếu bầu của giới trẻ thuộc về đảng Tập hợp quốc gia của nhân vật cực hữu Marine Le Pen. Kết quả này phù hợp với cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 năm 2022, khi bà Le Pen giành được ủng hộ của 39% cử tri ở độ tuổi 18 - 24 và 49% ở độ tuổi 25 - 34.
Tương tự, 21% cử tri Italy trong độ tuổi 18 - 34 đã bỏ phiếu cho Đảng Anh em của Thủ tướng Giorgia Meloni, giúp họ chiến thắng và tự tin theo đuổi chương trình nghị sự của mình; ở Tây Ban Nha, Đảng Vox cực kỳ bảo thủ tăng tỷ lệ ủng hộ của cử tri trẻ nhất (dưới 25 tuổi) lên 12,4%. Ngược lại, Đảng Dân chủ cực hữu Thụy Điển dù chỉ đứng thứ 4, song vẫn giành được 10% cử tri ở độ tuổi 22 - 30.
Làm chủ các nền tảng truyền thông
Các đảng cực hữu thường có lập trường cứng rắn trong các vấn đề như nhập cư. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, sự ủng hộ ngày càng tăng của cử tri trẻ đối với các đảng bài ngoại, phản đối EU và cực kỳ bảo thủ không phải vì họ có quan điểm chống người nhập cư mà là cảm giác bị các chính trị gia truyền thống phản bội. Trong khi các thế hệ lớn tuổi hơn, những người có cuộc sống an toàn về mặt kinh tế, tiêu thụ phần lớn ngân sách nhà nước thông qua lương hưu và các chương trình chăm sóc sức khỏe hào phóng, thì giới trẻ châu Âu phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và triển vọng kinh tế đang suy giảm.
Sự thất vọng ngày càng tăng này một phần bắt nguồn từ việc các chính trị gia truyền thống EU không thể bảo đảm việc làm ổn định, được trả lương cao cho giới trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên châu Âu từ 15 đến 24 tuổi là 13,8% vào năm 2023. Nếu tính riêng ở cấp quốc gia, ở Tây Ban Nha, tỷ lệ đó là 27,9%, so với 27,7% ở Hy Lạp, 20,7% ở Italy và 18,9% ở Thụy Điển.
Mặc dù các quốc gia như Pháp, Đức, Italy, Hà Lan có nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ, và đã đạt được một số thành công nhất định trong thời gian qua, song sự ủng hộ phe cực hữu của cử tri trẻ vẫn tăng nhanh. Nguyên nhân là do ngày càng có nhiều thống kê thể hiện một sự thật đáng buồn là phần lớn giới trẻ vẫn sẽ khó khăn hơn thế hệ cha mẹ họ, cho dù có nỗ lực làm việc đến đâu.
Vấn đề còn vượt ra ngoài thị trường lao động, ở nhiều nước châu Âu, giới trẻ cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở, các lớp học quá đông và hệ thống chăm sóc sức khỏe gặp khó khăn. Trước tình trạng giá thuê nhà tăng, học phí cắt cổ và tiền lương thực tế trì trệ, cử tri trẻ ngày càng tự hỏi rằng ai sẽ giải quyết những mối quan ngại của họ. Các chính trị gia cực hữu, dù có thể sai lầm khi đổ lỗi cho nhập cư, ít nhất cũng nhận ra vấn đề và cố gắng theo đuổi những cách gây được tiếng vang với cử tri trẻ.
Phương tiện truyền thông xã hội là một ví dụ điển hình. Vào những năm 1960, nhà lý luận truyền thông Marshall McLuhan từng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách truyền đạt thông điệp qua các phương tiện, qua đó mọi người giao tiếp sẽ định hình tương tác của họ. Nhận xét nổi tiếng của ông Marshall McLuhan: “phương tiện là thông điệp” thậm chí còn phù hợp hơn trong thời đại các nền tảng xã hội ngày nay, cho phép các chính trị gia cực hữu điều chỉnh thông điệp phù hợp với giới trẻ. Có thể nói, đây là công cụ mạnh mẽ giúp thúc đẩy sự tham gia, gắn kết và hình thành bản sắc. Bằng cách khơi dậy những bất bình được chia sẻ, mạng xã hội có thể giúp các phong trào chính trị mở rộng và tập hợp người ủng hộ. Chẳng hạn, trong khi Thủ tướng Olaf Scholz gia nhập TikTok muộn màng vào tháng 4, thì phe cực hữu Đức đã sử dụng nền tảng này để lắng nghe và chia sẻ nỗi sợ hãi, lo lắng của các cử tri trẻ. Điều đó cho thấy, chính trị gia nào không tận dụng được phương tiện truyền thông xã hội một cách hiệu quả có nguy cơ bị một bộ phận đáng kể cử tri trẻ xa lánh…
Trong bối cảnh giới trẻ dành ngày càng nhiều thời gian trên các nền tảng như Youtube, TikTok hay Instagram, đòi hỏi chính trị cũng phải chuyển đổi đáng kể cách truyền tải thông điệp. Để giành lại sự ủng hộ của những người trẻ bất mãn, các nhà lãnh đạo chính trị phải đưa ra tầm nhìn hấp dẫn cho tương lai, đồng thời làm chủ trên các nền tảng truyền thông nơi giới trẻ hoạt động tích cực nhất. Sự gia tăng ủng hộ phe cực hữu trong cử tri trẻ châu Âu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, nền chính trị truyền thống phải thích nghi hoặc có nguy cơ bị thế hệ cử tri tiếp theo phớt lờ.