Trong thời gian qua, việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới chỉ đạt được tỉ lệ 6,6%. ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả tự chủ với đơn vị nghiệp công lập trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, tự chủ đơn vị sự nghiệp là chủ trương lớn, xuyên suốt từ nhiều nhiệm kỳ qua của Đảng, Nhà nước ta và đã được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, mới đây nhất là Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Theo Bộ trưởng, trong nhiều năm qua, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực. Trước hết, về mặt nhận thức, chúng ta đã thay đổi tư duy để quan tâm thực hiện tự chủ và từ đó cũng đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy tự chủ, đặc biệt là tự chủ các đơn vị sự nghiệp kinh tế và tự chủ sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục đại học. Đối với sự nghiệp y tế, chúng ta đã thực hiện Nghị định 85/2012/NĐ-CP và mới đây là Nghị quyết số 33/NQ-CP; giáo dục đại học cũng đã thực hiện thí điểm Nghị quyết số 77/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng về tự chủ tài chính, Bộ trưởng cho biết, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết số 19 đặt ra; chi thường xuyên và chi đầu tư mới chỉ đạt khoảng 6,6%; tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong thực tiễn, đã có những lĩnh vực đạt được kết quả rất tốt.
Đơn cử như lĩnh vực tự chủ giáo dục đại học, vừa qua Chính phủ đã có sơ kết đánh giá 5 năm trong việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học với những kết quả đáng phấn khởi. Có 108/232 đơn vị đại học đã bảo đảm tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư, chỉ còn 8 đơn vị vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. "Nhưng thực tiễn cũng còn những vướng mắc giữa Luật Giáo dục đại học với vấn đề quản trị đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học như thế nào để bảo đảm được sự hợp lý, hài hòa, thống nhất giữa vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội đồng trường, hiệu trưởng". Nêu vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét lại vấn đề này một cách căn cơ để sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vai trò của Hội đồng trường, hiệu trưởng, xác định ai là người đứng đầu của một đơn vị sự nghiệp để chịu trách nhiệm về mặt pháp luật thật chặt chẽ, hợp lý, tạo động lực thúc đẩy tự chủ.
Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế, theo Bộ trưởng, thực tế thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhìn tổng thể vẫn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Nguyên nhân của tình trạng trên được Bộ trưởng chỉ rõ là: do chưa hoàn thiện được hệ thống thể chế một cách đồng bộ, đầy đủ, liên thông, thống nhất và nhất quán để thúc đẩy các đơn vị tự chủ. Hệ thống pháp luật cũng chưa đầy đủ, như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Bên cạnh đó, hai năm vừa qua, chúng ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, do đó hệ thống đơn vị sự nghiệp để thực hiện tự chủ cũng có những khó khăn hơn, đặc biệt là đối với đơn vị sự nghiệp y tế. Sự hướng dẫn của các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thật sự quyết tâm và quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ; hay từ chính bản thân những người đứng đầu đơn vị sự nghiệp.
"Thời gian tới, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị đánh giá một cách căn cơ, toàn diện, đầy đủ sau 5 năm thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp. Từ đó, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành chức năng nhằm tháo gỡ toàn bộ những điểm nghẽn, rào cản, khơi thông cho việc thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ và liên thông, nhất quán toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách. Một yếu tố rất quan trọng nữa là các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị tự chủ thì cũng phải thực sự quyết tâm để thực hiện”, Bộ trưởng nói.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, những câu hỏi chất vấn của các đại biểu vừa sâu sắc, thiết thực vừa thấm đẫm tiếng nói từ thực tiễn, từ cử tri và cuộc sống, qua đó gợi mở rất nhiều vấn đề quan trọng, vừa cấp thiết, trước mắt, vừa chiến lược, lâu dài cho ngành nội vụ tiếp tục đổi mới tư duy, có cách tiếp cận và phương thức mới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ và pháp quyền công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả.