Dự án luật hết sức quan trọng
Theo ĐBQH Lê Quân, Dự án Luật tư pháp người chưa thành niên là bước tiến mới trong công tác tư pháp nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến băn khoăn về một số phương án, nội dung trình ra Quốc hội, đại biểu nêu quan điểm cần đối chiếu và mạnh dạn áp dụng theo các thông lệ quốc tế liên quan đến người chưa thành niên. “Việc áp dụng có thể phát sinh nhiều công việc, chi phí, thủ tục và cả nhân lực. Tuy nhiên, những phát sinh này có thể được giải quyết trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang có chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại. Xã hội cũng chú trọng đến công tác xã hội, tâm lý học đường quan tâm đến người chưa thành niên”, ĐBQH Lê Quân nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị, trong giai đoạn hiện nay có thể sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hiện đang được sử dụng tốt vào các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, để mở rộng chức năng, nhiệm vụ giúp giải quyết được mục tiêu trước mắt, đáp ứng yêu cầu bài toán cần nguồn lực để huy động, thực hiện nhiệm vụ. Giai đoạn sau này có thể tính toán các quỹ khác phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đánh giá đây là dự án Luật hết sức cần thiết, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt có khi quá nghiêm khắc, đôi khi lại quá nhẹ vì không có các quy định áp dụng chuyên biệt, phù hợp. Ngoài ra, một số ý kiến cũng nhận định cấu trúc của dự án Luật thể hiện tính nhân văn cao, vừa bảo đảm tính nghiêm khắc trong các hình thức phạt vừa tạo điều kiện để người chưa thành niên được hoàn lương, cơ cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
Góp ý chuyên sâu vào nhiều nội dung của Dự án Luật, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính nêu các ý kiến đối với quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt… Về quy định tòa xét xử kín với trường hợp hiếp dâm người chưa thành niên, đại biểu nêu cần bổ sung một số tội danh khác mang tính chất xúc phạm, bôi nhọ danh dự nhân phẩm người chưa thành niên.
Về quan điểm trong vụ án có liên quan đến cả người thành niên và chưa thành niên, đại biểu ủng hộ nên tách vụ án. Về mặt tố tụng, việc tách vụ án không ảnh hưởng đến tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, tạo cơ hội điều tra truy tố sớm hơn, giảm bớt gánh nặng tâm lý cho bị can chưa thành niên cũng như bảo đảm các yếu tố có lợi cho người chưa thành niên.
Góp ý về nội dung biện pháp ngăn chặn, ĐBQH Bùi Huyền Mai tán thành dự thảo Luật bổ sung 2 hình thức khác biệt so với hiện nay là giám sát điện tử và giám sát tại nhà nhằm hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, các quy định tại Điều 131 chưa có hướng dẫn cụ thể về hai hình thức giám sát nêu trên nên cần bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện các hoạt động giám sát.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người
Cũng trong thảo luận tại tổ sáng nay, các đại biểu góp xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Theo ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát vì Luật có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật khác; đồng thời làm rõ thêm tác động của quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tính khả thi của quy định bảo vệ, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người.
Bên cạnh đó, đa số các ĐBQH Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đều thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người…