Đó là nhận định của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh tại Hội nghị Tổng kết công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 năm 2024 của Chính phủ.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trên nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin đơn vị đã tích cực triển khai phát triển hệ thống và trở thành một trong những bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Toàn ngành hiện đang triển khai 29 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, bảo đảm 100% quy trình nghiệp vụ của ngành trên môi trường điện tử. Đồng thời, kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; giao dịch điện tử với hơn 621 nghìn doanh nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động của ứng dụng VssID - BHXH số nhằm cung cấp các dịch vụ công, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để khám, chữa bệnh BHYT và các thông tin, tiện ích khác.

Đến nay, toàn quốc có hơn 37 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt, trong đó có hơn 23,5 triệu tài khoản đã đăng nhập, sử dụng ứng dụng. Ngành cũng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID, Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam. Kết quả đã có hơn 19,1 triệu lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2.
Hiện, BHXH Việt Nam đã tích hợp 66 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 94,3% tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình của BHXH Việt Nam, vượt 14,3% so với chỉ tiêu được giao tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Về triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06 của Chính phủ, đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 99,6 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip với hơn 153,8 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn ngành đã đạt được trong công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Theo Tổng Giám đốc, ngành BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị dẫn đầu của các bộ, ngành về công tác chuyển đổi số, là cơ hội bứt phá cho ngành BHXH Việt Nam trên chặng đường tới.
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của ngành trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 như công tác bảo đảm an toàn thông tin tại một số đơn vị chưa thực sự được quan tâm; vẫn còn tình trạng chủ quan trong việc bảo đảm an toàn thông tin; nhiều người dân chưa có chữ ký số dẫn đến khó khăn trong thực hiện hưởng BHXH một lần trên cổng dịch vụ công trực tuyến…
Trong thời gian tới, công tác chuyển đổi số cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, các đơn vị cần tiếp tục xác định chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả Đề án 06, đặc biệt là trong lĩnh vực đồng bộ, làm sạch, làm giàu dữ liệu. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu, tin tưởng và sử dụng các dịch vụ số do ngành BHXH Việt Nam cung cấp.
Với những nỗ lực không ngừng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển đổi số thành công, hiệu quả và bứt phá, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, góp phần hướng tới mục tiêu thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số.