Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương sáng nay, 5.6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời các chất vấn về: an toàn thương mại điện tử; phát triển công nghiệp hỗ trợ; khai thác các FTA thế hệ mới; phát huy vai trò của các thương vụ ở nước ngoài; hoàn thiện pháp lý với thuốc lá điện tử…
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khai thác hiệu quả các FTA
Nêu câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương tại phiên chất vấn chiều 4.6, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nêu vấn đề, hiện nay Việt Nam đã tham gia 16 FTA và đang đàm phán 3 FTA mới, tuy nhiên việc thực thi các chính sách để tối đa hóa lợi ích, mở rộng các thị trường mới vẫn đang còn bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi đó, hiện nay Bộ Công Thương có nhiều khuyến cáo cho các doanh nghiệp để mở rộng các thị trường mới, như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ.
Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp của Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội gì từ các thị trường quốc tế, trong khi các quốc gia này đều có những lợi thế so sánh tương đồng như Việt Nam, như lao động giá rẻ, thị trường đông dân, tập trung gia công sản phẩm?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: So với các nước Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, chúng ta tương đồng về lao động, trình độ công nghệ. Tuy vậy, dù các thị trường này chưa có tính bổ trợ cao cho nền kinh tế của nước ta như một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn, nhưng lại có tiềm năng quy mô dân số rất lớn nên sẽ là khách hàng tiềm năng đối với hàng hóa Việt.
“Mặt khác, các nước này thuộc tiểu lục địa Ấn Độ có nhu cầu tiêu thụ những nhóm hàng mà nước ta có thế mạnh, khoảng cách không xa nên chi phí logistics không lớn, có thể tạo lợi thế cạnh tranh tốt cho hàng hóa nước ta”, Bộ trưởng nói.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng. Đẩy mạnh tiến độ đàm phán ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, cập nhật thông tin để có phản ứng phù hợp…
Phát triển xuất khẩu bền vững
Trả lời chất vấn của ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Bộ trưởng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhờ thực hiện chủ trương này, nước ta đã có tiềm lực và uy tín quốc tế lớn như ngày nay. Việc đàm phán ký kết các FTA một mặt cần nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế đất nước, mặt khác cần tiếp tục mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư có chọn lọc.
“Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng có nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài, xuất, nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, vẫn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu”.
Lưu ý những thách thức nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới, sẽ tập trung triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế nước ta cũng như của doanh nghiệp nội địa nói riêng; mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế thông qua thu hút FDI có chọn lọc, ký kết chọn lọc các FTA; nghiên cứu đánh giá tác động của FTA…
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) về giải pháp để khắc phục những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến tỷ giá ngoại tệ có xu hướng bất lợi, chi phí vận tải biển cao…, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá, kết hợp với chính sách tài khóa phù hợp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm qua, đặc biệt là "rất ngoạn mục" trong 5 tháng đầu năm 2024.
“Diễn biến tỷ giá của môt số ngoại tệ vừa qua có tác động bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, song lại có lợi với doanh nghiệp xuất khẩu. Việt Nam xuất khẩu là chủ đạo nên phần nào có lợi trong huống này. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển xuất khẩu bền vững, không nên chú ý tận dụng tình huống thuận lợi trong trước mắt”, Bộ trưởng nhận định.