Cùng với đó là giải pháp hoàn thiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Và, sắp tới sẽ đề nghị sửa đổi, hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện và mục đích phát hành - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
"Có trách nhiệm của cán bộ ngành tài chính"
Là một trong ba đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nêu vấn đề liên quan đến công tác quản lý thị trường chứng khoán: Đã tròn 10 năm kể từ khi chúng ta ký kết hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai gói thầu vận hành hệ thống KRX, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị, Bộ trưởng đưa ra cam kết cụ thể về thời điểm vận hành hệ thống này, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhà đầu tư, góp phần quan trọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, dự án KRX đã được triển khai cách đây 22 năm (chứ không phải 10 năm nữa), chúng tôi đang rất tích cực thúc đẩy công việc này; yêu cầu nhà thầu Hàn Quốc sang hoàn thiện với thời gian sớm nhất. Khi dự án chưa hoàn thành, chúng tôi đã sử dụng công nghệ của sàn HNX Hà Nội, nối room từ 1 triệu lệnh/ ngày lên lên 3 triệu lệnh/ ngày. Đồng thời, đưa các chuyên gia giỏi nâng room lên khoảng 5 triệu, bảo đảm cho hệ thống công nghệ thông tin của sàn chứng khoán không bị nghẽn mạch như thời gian vừa qua.
Bộ trưởng cho biết, để giải cứu việc nghẽn mạch đã có sự tham gia của các công ty FPT, Viettel và các chuyên gia giỏi. Nếu dự án KRX thành công, đây sẽ là hệ thống công nghệ thông tin dự phòng, nếu bị nghẽn mạch và gặp sự cố sẽ có KRX thay thế. Tuy nhiên, "chưa có KRX, chúng tôi cũng đã có hệ thống dự phòng rồi, nên vẫn bảo đảm thông suốt cho thị trường chứng khoán", Bộ trưởng khẳng định.
Đặt vấn đề về lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ trách nhiệm và giải pháp điều hành thị trường này.
Nhấn mạnh vừa qua Bộ Tài chính đã nỗ lực hết sức mình để ngăn chặn, xử lý sai phạm, qua đó góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho biết, từ tháng 4 - 9.2021, Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông cáo báo chí về rủi ro đối với thị trường trái phiếu riêng lẻ và Bộ cũng thông tin với báo chí, đài truyền hình Việt Nam về vấn đề này để cảnh báo cho nhà đầu tư chứng khoán. “Bộ Tài chính cũng có Công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán, các cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra phát hiện sai phạm và xử lý. Sau đó tiến hành thanh tra các công ty chứng khoán độc lập. Chúng tôi đã phát hiện nhiều sai phạm, chuyển sang cơ quan điều tra 34 vụ và tiến hành xử lý phạt hành chính 568 vụ, xử phạt hành chính hơn 29 tỷ đồng. Đây cũng là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán". Khẳng định quyết tâm này, song Bộ trưởng cũng nhận thấy "có trách nhiệm của cán bộ ngành tài chính"; và đã thực hiện cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, kiểm điểm nhiều lãnh đạo khác, vì có liên quan đến trách nhiệm ban hành quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính, Nghị định của Chính phủ, hay tình trạng nghẽn mạng công nghệ thông tin làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thiếu trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra… Những sai phạm này đều được xử lý nghiêm, Bộ trưởng nói.
Qua chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng lưu ý thêm, việc so sánh thị trường chứng khoán của nước ta với thị trường các nước cũng khập khiễng, vì các nước có lịch sử lâu đời, trong khi nước ta còn sơ khai. Vấn đề đặt ra là năm 2021 thị trường chứng khoán tăng rất đột biến, nếu đến năm 2020 đạt hơn 4% GDP, thì năm 2021 đã tăng lên 15% GDP. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, thị trường này đạt 20%. Việc tăng đột biến năm 2021 đã để xảy ra những sai phạm như các đại biểu đã nêu.
Bây giờ cần rà soát xem chính sách, pháp luật có gì bất cập, sơ hở không? Nghị định 153 ban hành về lĩnh vực này như thế nào, hướng hoàn thiện thế nào? Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ra sao? Mặc dù, cơ quan nào cũng nói không có động thái siết thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhưng thực tế 4 -5 tháng đầu năm 2022 hầu như không có phát hành. Vấn đề liên quan đến nợ đến hạn của một số trái chủ, khả năng đến hạn phải trả của năm 2022 rất lớn, thì thanh khoản của lĩnh vực này như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm, báo cáo thêm với Quốc hội. Trách nhiệm kiểm tra giám sát như thế nào? Đáng lưu ý có đại biểu nêu là vụ Tân Hoàng Minh xử lý như vậy, nhưng vẫn còn tình trạng các công ty đi mời chào nhà đầu tư tư nhân để bán trái phiếu doanh nghiệp.
Câu chuyện thao túng là hành vi của cá nhân
Tiếp tục nêu chất vấn về thị trường chứng khoán, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán gấp nhiều lần giá trị tài sản IPO phát hành lần đầu, sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư, nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo chênh lệch giữa giá cả và giá trị thực, hiểu nôm là "bong bóng" chứng khoán. Tình trạng này làm tăng suất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, tăng hệ số ICOR của nền kinh tế, giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình trạng "bong bóng" thị trường chứng khoán hiện nay? Bộ Tài chính có công cụ, chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ "bong bóng" chứng khoán và giải pháp để phát triển ổn định thị trường chứng khoán?.
Khẳng định thị trường chứng khoán đã có bước phát triển tốt, tăng trưởng bình quân từ năm 2016 - 2021 là 26%. Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, đúng là thời gian vừa qua xảy ra hiện tượng thao túng chứng khoán, thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng; và Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp xử lý sai phạm như đã báo cáo với Quốc hội.
Bộ trưởng nói, nếu như thị trường chứng khoán các nước đã có tuổi đời 500 năm, thì thị trường nước ta có tuổi đời rất trẻ, mới 22 năm. Vừa qua thị trường chứng khoán xảy ra chuyện thao túng, theo Bộ trưởng, "đây là hành vi cá nhân, đưa thông tin sai sự thật để lôi kéo khách hàng rồi đột ngột bán đi, không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước. Đối với trái phiếu doanh nghiệp cũng phát hành theo hình thức đưa thông tin sai lệch… Những hành vi này chính là vi phạm trật tự kinh tế, vi phạm Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan, nên phải xử lý nghiêm".
Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay Bộ đã có giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi vấn đề phát sinh, theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu. Đối với trái phiếu riêng lẻ, Bộ sẽ thiết lập sàn riêng để theo dõi. Cùng với giải pháp hoàn thiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; sắp tới sẽ tham mưu sửa đổi, hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện và mục đích phát hành… "Chúng tôi sẽ có giải pháp hoàn thiện pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm, nhất là với những giao dịch bất thường. Những vi phạm trong chứng khoán, hay lợi dụng chứng khoán để rửa tiền đều được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm", Bộ trưởng khẳng định.