Những kết quả bước đầu
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 985 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (chiếm 28,68% xã được phân định của cả nước) trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, tính đến 31.5.2023, kết quả thực hiện giải ngân Chương trình trong khu vực đạt hơn 1.397 tỷ đồng, đạt 10,62%.
Mặc dù Chương trình mới được đưa vào tổ chức triển khai từ nửa cuối năm 2022, nhưng bằng sự nỗ lực và tinh thần chủ động của nhiều địa phương, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, một số chỉ tiêu ước đến 31.12.2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 17 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (mục tiêu kế hoạch giao trên 3%); một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên Huế (11,04%), Quảng Nam (7%), Khánh Hòa (6%), Quảng Ngãi (5,37%), Đắk Nông (5%)...
Ngoài ra còn có một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng…
Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân; đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.
Chuẩn bị năng lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở
Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế này đã được các địa phương phản ánh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đại diện tỉnh Quảng Trị, đây là một chương trình mục tiêu quốc gia lớn, lại có nhiều thay đổi trong chủ trương, chính sách việc. Vì thế, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chuẩn bị kỹ cơ chế, chính sách và truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ ở địa phương nắm rõ ý nghĩa, cách thức thực hiện đóng vai trò quyết định. Trong bối cảnh cán bộ, cộng đồng tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năng lực còn tương đối hạn chế, quá trình phân cấp, phân quyền và phát huy sự tham gia của người dân cần được thực hiện trên cơ sở đội ngũ cán bộ ở địa phương và cộng đồng nắm chắc được mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình cũng như cách thức, cơ chế thực hiện các nội dung cụ thể.
Do đó, Quảng Trị đề nghị Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, chuẩn bị năng lực cho đội ngũ thực hiện, đặc biệt cán bộ ở địa phương. Có thể ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình hoặc hướng dẫn một số nội dung mới.
Trình độ nhận thức và năng lực của cán bộ, công chức ở cơ sở còn hạn chế dẫn đến nhận thức đúng, đầy đủ các chính sách, văn bản pháp luật quy định để tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện Chương trình là vấn đề không đơn giản. Trong khi đó, các văn bản pháp luật triển khai thực hiện Chương trình lại quá nhiều, chưa thống nhất, khó hiểu… gây lúng túng, khó khăn, thậm chí nhận thức sai trong thực hiện.
Từ thực tế đó, đại diện Ban Dân tộc Khánh Hòa kiến nghị, việc ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình cần phải thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở trách nhiệm, năng động, am hiểu chính sách, pháp luật để tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Chương trình.
Có chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư
Theo phản ánh của các địa phương, hiện nay đa số hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thiếu tư liệu sản xuất, nhất là về đất sản xuất. Theo Chương trình, đối với các địa phương không có đất sản xuất để giao cho hộ nghèo thì người dân được Nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng và được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 77,5 triệu đồng để mua đất sản xuất. Tuy nhiên, với số tiền 100 triệu đồng ở tỉnh Khánh Hòa tùy theo từng vùng chỉ mua được tối đa 1.000 - 2.000m2 đất sản xuất, không đủ 50% hạn mức đất sản xuất tại địa phương, và với diện tích đất như vậy không đủ để xóa nghèo.
Trường hợp không có đất để giao hoặc mua thì vận động người dân chuyển đổi nghề, học nghề. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, dân cư ít, sinh sống thưa thớt, địa hình đồi núi, kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đi lại khó khăn… việc lựa chọn nghề để học, chuyển đổi và có việc làm sau học nghề rất khó khăn.
Chính vì vậy, đại diện một số địa phương đề nghị bổ sung các chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về đất đai, vốn tín dụng ưu đãi, thuế, điều kiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư… để thu hút doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, sinh kế cho người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho khu vực này.