Nên thực hiện lập quy hoạch theo mô hình xoắn trôn ốc
Giải trình tại Phiên giám sát tối cao của Quốc hội chiều nay, 30.5, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, bản thân ông và nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XIV đã rất háo hức khi bấm nút biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch; và, hy vọng rằng những câu chuyện về quy hoạch sẽ được khắc phục bởi Luật này. "Nhưng có lẽ, chúng ta kỳ vọng nhiều quá thành ra khi bị vướng lại thất vọng nhiều", Bộ trưởng chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, thời đại chúng ta đang sống được quy định bởi bốn yếu tố: “bất động”, “biến động”. “phức tạp” và “mơ hồ”. Sự thay đổi trên thế giới này nhanh tới mức người ta nói rằng “cái mới ra đời chưa kịp định hình thì đã có cái mới hơn xuất hiện”. Trong bối cảnh như vậy mà chúng ta khuôn lại bằng một quy hoạch để định hình cho 5, 10, 15 năm, thậm chí là vài chục năm thì quả là không đơn giản.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta đang tiếp cận nền kinh tế thị trường với ba câu hỏi kinh điển trong nguyên lý kinh tế từ 500 năm trước là “sản xuất cái gì, sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào” vẫn quyết định trong điều hành, quản trị của một nền kinh tế, một quốc gia. Do đó, để ấn định những điều bất biến trong một sự vận động vạn biến, theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, “khi thực hiện lập quy hoạch, chúng ta phải tĩnh tâm một chút, ngồi lại, minh định lại tất cả những thuật ngữ, khái niệm, nội hàm khái niệm quy hoạch tích hợp, quy hoạch từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ ông nhận được khuyến nghị của chuyên gia cho rằng “quy hoạch từ bên trên áp đặt xuống dưới, hay là ngược lại từ dưới lên trên đều không ổn”. Cụ thể, theo vị chuyên gia này, chúng ta nên áp dụng mô hình quy hoạch theo đường xoắn trôn ốc, tức là vừa làm đồng thời, lấy quy hoạch này tựa vào quy hoạch kia, bởi ngay quá trình quy hoạch từ trên xuống dưới thì thực ra cũng đã phải lấy số liệu từ cấp dưới, và nếu chỉ dựa vào số liệu cập nhật từ dưới lên sẽ khiến quy hoạch tích hợp trở thành những con số cộng hữu, những công thức chứ không phải một chiến lược phát triển.
Đứng trước sự thay đổi rất nhanh chóng của khoa học, công nghệ, của thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không thể có một quy hoạch phủ được hết toàn bộ, mà nên chia làm hai mức độ gồm: phần "cứng" - Nhà nước can thiệp được và phần "mềm" - không gian để thị trường tự điều chỉnh. Lúc đó, từng cấp độ sẽ có không gian để điều hành linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi của thực tế.
"Cách đây 5 năm, chúng ta không nói về nền kinh tế xanh hay biến đổi khí hậu, nhưng hai vấn đề này hiện chi phối toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, từ công nghiệp cho tới nông nghiệp và tất cả những đề khác. Cách đây nhiều năm, chúng ta thấy rằng ATM là của ngân hàng ở đầy rẫy trên các vỉa hè nhưng rõ ràng bây giờ công nghệ của ngân hàng đã phát sinh ra rất là nhiều loại hình thay thế khác".
Từ ví dụ trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước tiên, nên định vị lại ở cấp độ nào trong quy hoạch thì sẽ dừng lại ở cấp độ đó, vì nếu đi sâu thì có khi càng đi sâu sẽ bàn thảo những vấn đề mà 5 năm sau, thậm chí là có thể một tuần sau câu chuyện đã khác rồi. "Khi công tác lập quy hoạch đã chậm, thì nên tổ chức những hội thảo sâu hơn, để không đi từ thái cực này sang thái cực khác. Vì, nhiều khi không có quy hoạch đã khó, mà có quy hoạch rồi nó lại khó hơn, bởi quá trình thực hiện có thể phải điều chỉnh do còn lệ thuộc vào sự thay đổi từ bên ngoài".
Nếu cố định nông sản trong một quy hoạch sản phẩm là cứng nhắc
Nêu quan điểm cá nhân về vấn đề bỏ quy hoạch ngành sản phẩm, cụ thể là trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, việc bỏ quy hoạch sản phẩm là một bước tiến rất lớn, không phải vì bỏ quy hoạch ngành sản phẩm mà dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, ùn ứ nông sản. Bởi, nông nghiệp là một ngành mở, chúng ta có thể vừa là người bán, vừa là người mua với một loại nông sản. Hơn nữa, nếu chúng ta quy hoạch để vươn tới bán ra một thị trường nào đó, thì cũng phải chú ý rằng rất nhiều quốc gia cũng bán loại nông sản như chúng ta đến thị trường đó. Với những dữ liệu nêu trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khó để ra được một chỉ dấu để quy hoạch, để ấn định giống ngày xưa là hồ tiêu có sản lượng bao nhiêu, cà phê là bao nhiêu và những sản phẩm nông nghiệp khác là bao nhiêu.
Thay vì quy hoạch ngành sản phẩm, chúng ta sẽ sử dụng công cụ nào để thay thế, để giảm thiểu rủi ro trong ngành nông nghiệp, trong thương mại nông nghiệp? Đặt vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. Chúng ta không bỏ định hướng cho sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng không phải ấn định đó phải là bao nhiêu hecta, sản lượng là bao nhiêu. Chúng ta có thể quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được một chiến lược đầu tư, chiến lược hỗ trợ.
Đề cập về kinh nghiệm thế giới trong giải quyết đòi hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã nghiên cứu rất nhiều và nhận thấy, các nước đã có hàng trăm năm thực hiện theo tư duy thị trường, tư duy kinh tế, biết thế nào là cung, thế nào là cầu. Tự người nông dân đã có thể tự quyết định được câu chuyện này. Bên cạnh đó, nông dân ở các quốc gia này cũng có một hệ sinh thái, trước tiên là các hiệp hội ngành hàng, các hợp tác xã - là những cơ quan, tổ chức, thiết chế tư vấn cho họ để quyết định nên trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu.
Nếu thực hiện áp đặt theo một quy hoạch cứng nhắc như ngày xưa, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT nhấn mạnh, chúng ta phải xác định có thể bảo hộ được tất cả những sản phẩm trong vùng quy hoạch không? Những sản phẩm nằm ngoài vùng quy hoạch có hợp pháp để đưa ra thị trường được không? Bởi, về nguyên tắc, nếu chúng ta xem quy hoạch đó là một pháp lệnh, một kế hoạch cứng của Nhà nước, thì Nhà nước chỉ bảo trợ những sản phẩm nông nghiệp nằm ở trong kế hoạch hay quy hoạch của Nhà nước thôi. Và, khi đó, sản phẩm nằm ngoài quy hoạch sẽ là sản phẩm bất hợp pháp. Khẳng định “điều này không thể thực hiện được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn được Bộ NN và PTNT xây dựng đã xác định “phải khẩn trương hình thành các hệ sinh thái ngành hàng”. Hơn nữa, trên thế giới, người ta tiếp cận theo tư duy thị trường và thông qua những thiết chế xã hội để dẫn dắt quy hoạch, định hướng phát triển từng ngành hàng.
“Trên thế giới đã giảm dần sự can thiệp của Nhà nước một cách phi thị trường. Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua thông tin thị trường, khoa học, công nghệ, vốn liếng, tư vấn và huấn luyện tri thức cho người nông dân. Mỗi người nông dân và tập thể ngành hàng đó sẽ tự vận động với một "bàn tay" phía sau của Nhà nước, chứ không phải theo "bàn tay" phía trước của Nhà nước”, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT nói.