Trung bình mỗi năm đào tạo được 40 người
Đấu giá viên là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá. Tuy vậy, thời gian qua, một số quy định về đấu giá viên còn nhiều bất cập, đã ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, qua 5 năm triển khai Luật Đấu giá tài sản, số lượng cá nhân đủ điều kiện để được đào tạo nghề đấu giá rất ít và có xu hướng giảm, mỗi năm chỉ tổ chức được 1 khóa đào tạo nghề đấu giá và trung bình 40 người một khóa. Nguyên nhân là do trong quá trình xét duyệt hồ sơ việc xác định tiêu chuẩn có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản đang gặp rất nhiều bất cập, việc cấp bằng cử nhân hoặc bằng tốt nghiệp đại học của mỗi trường đại học đều khác nhau, không thống nhất, mỗi trường mỗi kiểu và khó xác định được chuyên ngành và ngành. Ví dụ như đều là học về kinh tế nhưng có những trường cấp bằng là cử nhân kinh tế ngành kinh tế hay kinh tế quốc tế, kinh tế đối ngoại nhưng có trường cấp bằng cử nhân kinh tế chuyên ngành kinh tế hoặc chuyên ngành kinh tế quốc tế, có trường thì không ghi ngành hay chuyên ngành mà chỉ là bằng cử nhân kinh tế...
Bên cạnh đó, quy định điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 3 năm trở lên mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá đang là rào cản rất lớn để các cá nhân có đủ điều kiện khi có nhu cầu được đào tạo nghề đấu giá, sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ không có cơ hội được học nghề đấu giá. Thực tế hàng năm khi xét duyệt trung bình 100 hồ sơ đăng ký đào tạo nghề đấu giá thì có 40 hồ sơ chưa đạt yêu cầu do chưa đủ 3 năm làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.
Ngoài ra, có một nguyên nhân khác nữa, đó là một bộ phận đấu giá viên hành nghề trong giai đoạn trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực còn chưa qua đào tạo nghề, nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Trong khi đó, Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định miễn đào tạo nghề đối với người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Trước tình trạng vẫn còn vi phạm xảy ra trong đấu giá do đấu giá viên, nhiều ý kiến cho rằng, cần bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá đối với các trường hợp nói trên.
Nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên
Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động đấu giá tài sản, cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên, dự thảo luật đã bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp được quy định tại Luật Đấu giá tài sản hiện hành gồm: người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.
Nhận định dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra dự thảo luật này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá là cần thiết, nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn hành nghề đấu giá đều phải qua khóa đào tạo nghề về kỹ năng, nghiệp vụ. Qua đó, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên. Nội dung chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp mà người muốn trở thành đấu giá viên chưa được học ở giai đoạn đào tạo đại học.
Bày tỏ ủng hộ quy định này của dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) nhấn mạnh, đấu giá viên là một nghề nghiệp, người hành nghề đấu giá viên mang tính chuyên nghiệp. Chỉ ra kinh nghiệm một số nước, đại biểu Thủy cho rằng, tại một số nước như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc… đấu giá viên là một nghề có uy tín và thu nhập tương đối cao trong xã hội. Họ là những người không chỉ có kiến thức pháp luật, kiến thức về tài sản mà còn có nhiều kiến thức sâu rộng về thị trường, về giá trị tài sản và giá trị nghệ thuật. Vì vậy, hầu hết pháp luật về bán đấu giá tài sản tại các nước quy định các điều kiện để trở thành đấu giá viên hết sức chặt chẽ, qua đào tạo, tập sự hành nghề và trải qua các kỳ thi tuyển chọn, đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ, cấp giấy phép hành nghề. “Một số nước còn quy định rõ trách nhiệm của đấu giá viên khi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật, thì tùy theo mức độ có thể do Hội đồng đấu giá quốc gia thi hành kỷ luật hoặc bị quy trách nhiệm theo Bộ luật Hình sự” - đại biểu nêu dẫn chứng.
Cũng theo đại biểu Thủy, việc bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên và có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên… nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, bảo đảm khả thi và phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển nguồn đấu giá viên trong thời gian tới.
Đồng quan điểm này, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc bỏ quy định “các trường hợp miễn đào tạo nghề đấu giá” là cần thiết và phù hợp. Lý giải vấn đề này, đại biểu Nga cho rằng, việc tham gia khóa đào tạo sẽ trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cơ bản cho các đấu giá viên tương lai, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá. Quy định này phù hợp trong bối cảnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động đấu giá nói riêng hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.