Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, tình hình khan hiếm đơn hàng khiến không ít doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ… gặp khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, vay tín chấp dựa trên phương án, dự án kinh doanh của doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp chưa có phương án kinh doanh tốt do chưa có đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vướng mắc khi thực hiện các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy như diện tích, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy. Riêng lĩnh vực xăng dầu hiện có 44 cửa hàng không đáp ứng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, xác nhận lại kinh nghiệm làm việc của người lao động nước ngoài theo quy định tại khoản 4, Điều 9, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã chỉ đạo các sở, ban ngành triển khai kịp thời các chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; nắm bắt, tiếp nhận thông tin để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ tham mưu tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường…
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hoá thủ tục cho vay.
Sở Xây dựng, Công an tỉnh thống nhất việc hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy; tổng hợp vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vướng mắc tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tính đến 31.5.2023, Bình Dương đã bổ sung thêm được 27.678 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, gồm 2.564 doanh nghiệp đăng ký mới (tổng vốn điều lệ 15.442 tỷ đồng) và 713 doanh nghiệp điều chỉnh tăng 15.064 tỷ đồng.
Lũy kế đến 31.5.2023, toàn tỉnh có 62.075 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 658.267 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh đăng ký cho 19 doanh nghiệp FDI thành lập mới với số vốn đăng ký 776,5 tỷ đồng; 80 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm 6.976 tỷ đồng.
Lũy kế đến 31.5.2023, đã thực hiện thủ tục cấp đổi nội dung đăng ký kinh doanh trên giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.030 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký 326.259 tỷ đồng.