Trưng bày chuyên đề Những hạt giống đỏ đã khai mạc sáng 19.12, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hơn 100 tài liệu, hiện vật và nhiều hình ảnh tư liệu quý phác họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ đầu tiên được Người ươm mầm, đào tạo và chiến sĩ cách mạng đấu tranh trong nhà tù thực dân, đế quốc. Ngọn lửa cách mạng đã được thắp lên, truyền lan nhờ các lớp học đặc biệt trong tường cao, song sắt lạnh lẽo, qua đó nói lên khí phách của người cộng sản.

Khi thiết lập chế độ cai trị ở Việt Nam, cùng với việc tổ chức tòa án, cảnh sát, thực dân Pháp đã dựng lên hệ thống nhà tù, trại giam dày đặc từ trung ương đến địa phương như nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Lao Bảo, nhà đày Buôn Ma Thuột, ngục Kon Tum…
Mặc dù trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, hình thức tra tấn tàn bạo nhưng với khẩu hiệu “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, tại nơi tù ngục này, những cán bộ của Đảng đã cùng nhau trao đổi, tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo phong trào, biên soạn tài liệu lý luận, chính trị để giảng dạy; tổ chức các lớp học văn hóa, lý luận, trau dồi chủ nghĩa Mác - Lênin…

Những người tù học trong bí mật, thiếu thốn trăm bề đã nhanh trí, sáng tạo ra đồ dùng dạy và học. Giấy viết là mặt trong của bao thuốc lá, bì thư đã dùng, bút làm bằng cành cây, phấn là gạch non, than bếp, bảng là nền đất, nền xi măng.
Vào buổi tối, khi cửa sắt đã khóa chặt là thời gian tù chính trị cùng nhau tổ chức các lớp học văn hóa, viết báo. Tài liệu được giấu ở chân tường, thậm chí trong hộp sắt, bọc nilon, ròng dây thả xuống thùng phân, khi học mới kéo lên…

Trưng bày giới thiệu câu chuyện chiến sĩ cách mạng, nhà báo Trần Huy Liệu nhận mình là người học trò trong trường học vĩ đại - nhà tù. “Một khi nói người Cộng sản đã biến nhà tù thành trường học, thành lò đào tạo cán bộ thì dưới thời thuộc Pháp, nhà tù Côn Đảo trong những năm 1931 - 1937 đã biểu hiện cụ thể nhất. May mắn cho tôi là đã được làm người học trò nhỏ trong cái trường học vĩ đại ấy… Trong khám tù chật chội, hôi thối kinh khủng ấy, chúng tôi đã có những lớp học văn hóa, ngoại ngữ, những chương trình huấn luyện cách mạng từ lý luận đến công tác”.
Hay câu chuyện của đồng chí Hoàng Quốc Việt, “từ năm 1934, trừ anh nào quá ốm thì thôi, còn ai cũng tham gia học hết. Anh Nguyễn Văn Cừ, anh Lê Duẩn, anh Hà Huy Giáp, anh Nguyễn Kim Cương dạy anh em văn hóa... Bản thân tôi sau những ngày hoạt động, đến Công Đảo được học tập, nghiên cứu mới hiểu thế nào là vấn đề dân tộc, vấn đề dân cày”.
Đồng chí Ngô Gia Tự: “Phải tranh thủ mọi thời gian mà học tập. Bất cứ ở đâu chúng ta cũng hoạt động cho Chủ nghĩa Cộng sản được. Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ”.
Chính tại nơi tù ngục này đã ươm mầm cho những “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Như nhà tù Sơn La - một trong những nhà tù có tổ chức kiểm soát chặt chẽ, hà khắc nhất của thực dân Pháp, là nơi đào tạo nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc như Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng… cùng nhiều đồng chí giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức quần chúng và quân đội.

Hay nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng năm 1896 với tên gọi Mason Centrale - địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, nơi giam giữ, đày ải hàng nghìn chiến sĩ yêu nước cách mạng. Vượt lên gian khó, họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng - nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh…
Từ trong song sắt, những người cộng sản đã biến "địa ngục trần gian" thành trường học cách mạng, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập sau này. Như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí của ta đã lợi dụng những ngày tháng ở trong tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng, mà trái lại, nó đã trở thành một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn, mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”.