Theo Ts Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, ước tính 7 triệu người Việt Nam bị béo phì và đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ gia tăng nhanh ở cả thành thị và nông thôn. Tỷ lệ này chung cho cả nước là 5,6%; ở thành thị là 6,5%, còn ở nông thôn là khoảng 4%. Thực trạng này ở người trưởng thành 20 - 74 tuổi cũng ở mức cao. Nếu tính chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) - được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người - từ 23 trở lên thì tỷ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc là 26%, riêng thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên đến 40%.
Nguồn: news.zdn.vn |
TS. Nguyễn Trọng Hưng, Trung tâm Tư vấn phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì cho biết, nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì chính là do chế độ ăn uống dư thừa năng lượng, nhiều chất béo, bột, đường, đạm và ít vận động. Đơn cử như thịt, nếu mức tiêu thụ trong những năm 80 chỉ là 11g/người/ngày thì hiện nay lên tới 84g/người/ngày. Trong khi đó, rau xanh lại ăn rất ít, chỉ 200g trong khi nhu cầu của người trưởng thành ít nhất phải 300g. Cùng với đó, lối sống tĩnh tại - ngồi nhiều, ít thời gian vận động, luyện tập thể thao, lại di chuyển bằng phương tiện cơ giới… cũng góp phần làm tăng nguy cơ béo phì, đặc biệt ở trẻ em.
Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia mới đây cho thấy, so với hơn 10 năm trước, lượng tiêu thụ thịt, cá đã tăng gấp 4,6 lần và 1,7 lần, trứng, sữa tăng gấp 18 lần. Phần lớn các gia đình hiện nay chỉ sinh 1 - 2 con nên cha mẹ thường dành cho con rất nhiều điều kiện ăn uống tẩm bổ, cưng chiều cho con thỏa sức chơi game, xem tivi… mà không chú trọng đến một chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đã làm gia tăng nhanh việc thừa cân béo phì. Bên cạnh đó, bệnh béo phì gia tăng còn do quan niệm của không ít người khi cho rằng, trẻ nhỏ càng bụ bẫm càng tốt nên luôn khuyến khích, thậm chí nài ép trẻ ăn uống thêm đồ bổ dưỡng…
Bệnh béo phì không những ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, học tập và đời sống hàng ngày mà còn kéo theo những bệnh nguy hiểm khác như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa chất béo, tim mạch, ung thư về sau này. Đây cũng là một trong những tác nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số của mỗi quốc gia…
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước cần mạnh tay ngăn chặn béo phì để tránh hệ quả và hệ lụy về sau. Các chuyên gia y tế - dinh dưỡng cho rằng, cần phải hoạch định kế hoạch, giải pháp cụ thể để ngăn chặn sự phát triển của bệnh béo phì, kể cả các giải pháp vận động xã hội như tập thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống hợp lý, chống stress… Đồng thời, những người mắc bệnh béo phì cần được tư vấn y tế như, giảm cân, ăn uống theo chế độ… làm cho mọi người đều có một cơ thể khỏe mạnh tham gia tích cực hoạt động xã hội.
WHO lo ngại về tình trạng Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - WHO Margaret Chan mới đây (ngày 19.5) đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình trạng gia tăng bệnh béo phì ở trẻ em trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Bà Margaret Chan cũng cảnh báo căn bệnh này hiện là vấn nạn toàn cầu với chi phí chữa trị rất cao. Để đối phó với tình trạng này, người đứng đầu WHO thông báo thiết lập một Ủy ban cấp cao chuyên cập nhật số liệu về tỷ lệ béo phì trẻ em để đưa ra các phương pháp được xem là hiệu quả nhất trong những bối cảnh khác nhau. Các chuyên gia y tế kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế khuynh hướng tiêu cực này. Sự kết hợp giữa một loạt biện pháp, như: cung cấp thông tin tốt hơn và giáo dục về chế độ ăn kiêng tại các trường học, bệnh viện; cơ quan chính phủ đánh thuế các thực phẩm giàu năng lượng, hỗ trợ các mặt hàng rau quả và siết chặt các quy định về quảng cáo thức ăn nhanh… được các chuyên gia cho là sẽ tạo kết quả tích cực trong nỗ lực giảm tình trạng béo phì. |