Với mục tiêu là bảo tồn và phát triển hoa sen trên địa bàn TP. Hà Nội, tại hội thảo các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, đại diện các tỉnh, thành phố đã tập trung đánh giá thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển sen trên địa bàn Hà Nội; bảo tồn phát triển sen Tây Hồ trong hệ sinh thái sen Việt Nam;
Kinh nghiệm khai thác giá trị kinh tế sen gắn với văn hóa du lịch của một số tỉnh, thành phố; trao đổi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm từ sen của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm…
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhà khoa học, nhà quản lý và các Hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sen, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen.
Tại hội thảo, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, cây hoa sen không chỉ được khai thác sản phẩm từ hoa để cắm, trang trí, mà hạt sen tươi, củ sen, hạt sen khô được sử dụng làm nguyên liệu để nấu ăn hay chế biến thành các sản phẩm ăn liền rất ngon và tốt cho sức khỏe như trà tâm sen, trà ướp hoa sen, trà lá sen...
Các nghệ nhân làng nghề còn sử dụng cây hoa sen làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen như túi lá sen, nón lá sen... được du khách nước ngoài rất yêu thích khi tới du lịch nước ta. Rất nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận là mặt hàng OCOP tiêu biểu.
Để giữ gìn, khôi phục và phát triển diện tích trồng sen, giữ nét văn hóa của người Hà Nội, văn hóa của người Việt, quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng Sen Bách Diệp tại 18 hồ trên địa bàn được thành phố phê duyệt nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng - phát huy giá trị kinh tế và văn hóa Sen Tây Hồ.
Song song với đó, quận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng sen, qua đó thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch - văn hóa làng nghề trên địa bàn quận.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Hoa mong muốn, sau hội thảo sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh phát triển sen Việt Nam trên địa bàn TP. Hà Nội, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương; có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm sen, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng…
Để bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc và giá trị kinh tế của sen Hà Nội, TP. Hà Nội đã mở rộng các vùng trồng sen ở nhiều quận, huyện, thị xã, đến nay có khoảng hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như: Mỹ Đức 188ha, Ba Vì 70ha, Mê Linh 65ha, Phúc Thọ 25ha, Ứng Hòa 25ha, Bắc Từ Liêm 25ha, Tây Hồ 19,6ha, Quốc Oai 18ha…
Đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen. Đặc biệt, có sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất và sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...