Nhiều hệ lụy từ kháng thuốc
Những tác động của kháng thuốc thể hiện rủi ro đa chiều, không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng mà còn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. AMR không chỉ giới hạn trong hệ thống y tế, nông nghiệp mà còn là vấn đề liên ngành, trong đó môi trường ngày càng được nhận ra có vai trò quan trọng trong việc phát tán, lưu trữ và tái lan truyền vi khuẩn kháng thuốc.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vấn đề AMR trong môi trường vẫn chưa được chú trọng đúng mức và thiếu các chiến lược cụ thể để giải quyết. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25.9.2023, Phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, nhấn mạnh cách tiếp cận sức khỏe và tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm ở người, động vật, thực vật và môi trường. Chiến lược này phù hợp với cách tiếp cận "Một sức khỏe" trên phạm vi toàn cầu, tập trung vào sức khỏe con người, sức khỏe động vật và quản lý môi trường để hạn chế quá trình lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.

Chiến lược đặt ra 4 mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Tại Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã giao rõ trách nhiệm cho 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN và MT), phải xây dựng các đề án trọng điểm, trong đó, Bộ TN và MT “Xây dựng và triển khai Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024 - 2030”.
Giảm thiểu hệ luỵ từ kháng thuốc: Cần hành động cụ thể và quyết liệt
Để khẳng định thực hiện những hoạt động, phối hợp liên ngành cùng các cơ quan hành động về phòng, chống kháng thuốc, Bộ TN và MT cùng với các bộ, tổ chức quốc tế, một số đại sứ quán đã ký kết văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030. Đây là dấu mốc, khẳng định sự tham gia và tích hợp giá trị của ngành môi trường, trong chuỗi các hành động "Một sức khoẻ", trong đó có hành động về phòng chống kháng thuốc (AMR).
Mục tiêu thực hiện Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2025 – 2030:
- Mục tiêu 1: Thúc đẩy xây dựng cơ chế phối hợp hành động liên ngành trong quản lý, giám sát phòng, chống kháng thuốc.
- Mục tiêu 2: Nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện giám sát về kháng thuốc trong môi trường cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và mạng lưới quan trắc môi trường.
- Mục tiêu 3: Bước đầu lựa chọn một số vi khuẩn kháng thuốc để thực hiện giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường.
- Mục tiêu 4: Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường.
- Mục tiêu 5: Khuyến khích nghiên cứu, hợp tác và phát triển, huy động các nguồn lực hỗ trợ giám sát kháng thuốc trong môi trường.
Ngành Bộ TN và MT, từ Trung ương đến địa phương, gồm nhiều lĩnh vực, trong đó, với “phòng chống kháng thuốc”, có ba lĩnh vực chủ chốt, đó là: Quản lý các nguồn thải có nguy cơ phát sinh thuốc chữa bệnh; quản lý các thành phần môi trường, nơi tiếp nhận các nguồn thải và có thể hình thành vi khuẩn kháng thuốc; quản lý các quần thể, hệ sinh thái động thực vật (đặc biệt là động thực vật tự nhiên) có tác động, ảnh hưởng do vi khuẩn kháng thuốc hoặc mang vi khuẩn kháng thuốc phát tán trong môi trường), trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Những năm qua, ngành Bộ TN và MT đã làm khá tốt vai trò của mình, trong quản lý các nguồn ô nhiễm, các tác nhân ô nhiễm, và các thành phần môi trường; đồng thời, cũng đã rất nỗ lực phối hợp trong quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các giống loại động vật hoang dã. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mối liên hệ giữa các ngành chưa thật sâu và chặt chẽ, còn nhiều khoảng trống và một số chồng chéo trong phương thức quản lý. Ví dụ, trong bộ thông số về chất lượng môi trường hay quản lý nước thải y tế, có các thông số vi khuẩn gây bệnh, nhưng chưa nhận định và bổ sung hoặc xây dựng mối liên kết với thông tin về vi khuẩn kháng thuốc (ví dụ về sự tồn tại của một số chủng E.coli kháng thuốc).

Định hướng các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm sau 2030:
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát Quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ giám sát trong nước và hội nhập quốc tế.
- Hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách thực thi pháp luật liên quan đến giám sát kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật.
Để thực hiện hoạt động giám sát kháng thuốc trong môi trường còn có nhiều hạn chế, thách thức như: Sự phối hợp đa ngành, liên bộ, liên cơ quan chưa được chặt chẽ; việc tổng hợp thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung liên ngành và trong mạng lưới đang là ý tưởng bước đầu. Nhận thức về mối nguy hiểm của kháng thuốc đối với sức khỏe cộng đồng, người dân và tác động tới môi trường còn thiếu, hạn chế; các cấp lãnh đạo cũng đang tiếp cận dần và chưa quyết liệt trong giải quyết vấn nạn này. Năng lực thực hiện các chương trình giám sát, kỹ thuật phân tích, phân lập, định danh các vi khuẩn kháng thuốc trong môi trường nói chung đang được thực hiện bước đầu. Các nguồn lực, ngân sách được phân bổ cho các nghiên cứu, giám sát kháng sinh còn thiếu, chủ yếu là nhận được sự hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế. Nguồn nhân lực chuyên sâu, chuyên trách còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm tại các cơ quan.
Chính vì vậy, trên cơ sở được giao đầu mối thực hiện Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường, dựa trên nguồn lực hỗ trợ từ Fleming Fund, Tổ chức FHI 360 và các chuyên gia, nhà khoa học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tổ chức lấy ý kiến cho việc giám sát kháng thuốc trong môi trường và đã ghi nhận các kết quả, những định hướng, phương pháp chính, nguyên tắc trọng tâm, phù hợp với Việt Nam để giúp Nhóm tư vấn từng bước hoàn thiện trong thời gian tới.