Linh hoạt thích ứng biến đổi khí hậu
Những hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu như sạt lở, dông lốc, hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng gia tăng về mức độ và tần suất tại tỉnh Hậu Giang, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như đời sống, sản xuất của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 18 vụ sạt lở với chiều dài gần 0,5km. Mặc dù số vụ sạt lở trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng thiệt hại lại cao hơn gần 650 triệu đồng.
Bên cạnh sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, các hiện tượng dông lốc, xâm nhập mặn, ngập úng do triều cường cũng đang xảy ra thường xuyên hàng năm trên địa bàn tỉnh và gây thiệt hại về nhà cửa, cây màu, vật kiến trúc của người dân. Trong mùa khô 2023 - 2024, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp tục diễn ra tại địa phương này rất gay gắt, độ mặn đo được tại một số khu vực có thời điểm lên đến 13,5%, vùng chịu ảnh hưởng của hạn, mặn lên đến 110.000ha.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh đã huy động các nguồn lực thực hiện các dự án, công trình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bằng việc xây dựng hệ thống đê kè, cống ngăn mặn tại những khu vực trọng yếu; đầu tư hồ lưu trữ nước ngọt; thường xuyên nạo vét kênh rạch tạo nguồn giữ nước phục vụ phát triển sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao và phù hợp với sinh thái nguồn nước ngọt, mặn, lợ; khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình trồng trọt, nuôi thủy sản để thích ứng với biến đổi khí hậu… Vì vậy, theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua không gây thiệt hại về diện tích cây trồng của người dân, còn về nguồn nước sinh hoạt vẫn luôn được đảm bảo ngay cả trong những ngày nắng nóng gay gắt, độ mặn tại một số khu vực sông, kênh rạch lên cao.
Đối với người dân Hậu Giang, rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử, họ cũng đã chủ động, linh hoạt hơn trong ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở thông qua việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, chọn các loại cây chịu mặn, ít sử dụng nước để sản xuất, tận dụng nguồn nước mặn để thả nuôi thủy sản, trang bị lu, kiệu tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, trồng cây xanh, dùng tre, dừa,... làm bờ kè sinh thái.
Sẵn sàng các giải pháp
Để chủ động ứng phó biến đổi khí hậu góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang xác định công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của các ngành, các cấp, địa phương. Do đó, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, tỉnh Hậu Giang đang tập trung ưu tiên các nguồn lực để tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều, cống ngăn mặn, nạo vét kênh rạch nhằm đảm bảo việc tưới tiêu và thoát nước bảo vệ an toàn cho các vùng sản xuất nông nghiệp và khu, tuyến dân cư dân cư trước những tác động của xâm nhập mặn, triều cường.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở dọc theo một số tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và TP. Ngã Bảy; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc tự động liên tục để giám sát, dự báo và cảnh báo kịp thời tình hình xâm nhập mặn, độ mặn đến người dân; ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác chỉ đạo, dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai; đồng thời thường xuyên củng cố lực lượng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng phản ứng của các cấp chính quyền, người dân trước các hiện tượng thiên tai xảy ra.
Song song với đó, tỉnh cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân về những kiến thức cơ bản và các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời thông báo tình hình về khí tượng, thủy văn đến người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tham gia trồng cây, dùng tre, dừa, cừ tràm làm bờ kè sinh thái gia cố bờ sông, kênh rạch để hạn chế sạt lở; hỗ trợ, khuyến khích người dân tận dụng nguồn nước mặn để phát triển sản xuất, tạo sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững.
Có thể thấy, tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực không ngừng để tạo ra một môi trường nông thôn xanh, bền vững và hiện đại. Với chiến lược toàn diện về tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, Hậu Giang hướng đến một tương lai tươi sáng hơn cho khu vực nông thôn. Các mục tiêu rõ ràng và các dự án thí điểm đang được triển khai không chỉ nâng cao chất lượng môi trường sống mà còn tạo động lực phát triển kinh tế bền vững. Sự quyết tâm và nỗ lực này không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Hậu Giang đang chứng minh rằng, với sự lãnh đạo và sự đồng lòng của cả cộng đồng, những thay đổi tích cực có thể được thực hiện đem lại lợi ích lâu dài cho hiện tại và tương lai.