Nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Cục Thi hành án dân sự cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự đã triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, đạt nhiều kết quả tích cực trong điều kiện khối lượng công việc gia tăng, áp lực cao, bối cảnh tổ chức bộ máy đang được tinh gọn.
Cụ thể, về công tác thi hành án dân sự, trong bối cảnh số lượng việc và tiền phải thi hành tăng mạnh, hệ thống thi hành án dân sự vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng tích cực về số tiền thi hành xong.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025, việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của hệ thống thi hành án dân sự đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt công tác. Toàn quốc đã thi hành xong 255.261 việc, thu được hơn 57.683 tỷ đồng, tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thu hồi hơn 16.115 tỷ đồng.

Dù số việc và tiền phải thi hành tăng cao (lần lượt 10,89% và 27,92%) so với cùng kỳ năm 2024, nhiều vụ việc có giá trị lớn, đương sự đông, phân tán tại nhiều địa bàn, song toàn hệ thống thi hành án dân sự đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Đáng chú ý, đã thi hành xong 2.061 việc với số tiền hơn 9.781 tỷ đồng là các tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Con số này thể hiện sự quyết tâm cao độ của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt – nội dung trọng tâm trong chiến lược phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Một số địa phương rất nỗ lực, cố gắng, linh hoạt và chủ động trong công tác để có kết quả cao về việc, về tiền.
Trong công tác xây dựng đề án, văn bản, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án Dân sự tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 152/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 17.8.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự; tổng kết Chỉ thị 05/CT-TTg về tăng cường công tác thi hành án dân sự, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thi hành án.
Tổng cục cũng đang xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống Thi hành án dân sự theo Kết luận 126-KL/TW và 127-KL/TW của Bộ Chính trị, phù hợp định hướng tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thi hành án dân sự; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin...cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao và biểu dương những kết quả, cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống thi hành án dân sự trong những tháng qua trên các mặt công tác; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Trong bối cảnh số lượng việc và tiền có xu hướng ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp có số lượng người, tài sản phải thi hành án rất lớn, Thứ trưởng đề nghị Tổng Cục Thi hành án dân sự tiếp tục tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo cho việc thi hành án hiệu quả.

Cụ thể, từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự cần thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy theo đúng yêu cầu, có phương án kiện toàn bộ máy thi hành án dân sự tại các địa phương. Trong quá trình sắp xếp phải bảo đảm công việc vẫn liên tục, tránh gián đoạn để không ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân. Loại bỏ tâm lý “chờ đợi”, làm việc “cầm chừng” trong bối cảnh thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Bên cạnh đó, các cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung các nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 được Quốc hội, Bộ Tư pháp giao. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Cùng với đó là thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong toàn hệ thống thi hành án dân sự; nhận diện đúng về các biểu hiện lãng phí trong thi hành án dân sự, nhất là việc tổ chức thi hành các vụ việc có liên quan đến các dự án bất động sản để có giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ, sớm giải quyết dứt điểm để đưa các tài sản vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên theo đúng quy định pháp luật.
Nhấn mạnh trong bối cảnh năm 2025 còn nhiều khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu hệ thống thi hành án dân sự phải nỗ lực gấp 3, 4 lần so với trước đây. Các cơ quan thi hành án dân sự cần đổi mới, sáng tạo, chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự. Trong đó, từng cán bộ, công chức phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công việc....