Triển khai tại 100% đơn vị hải quan
Ông Lê Đức Thành, Trưởng Ban Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cho biết, hiện tại, Cục Hải quan có 21 hệ thống công nghệ thông tin, bao gồm: Hệ thống VNACCS/VCIS và 20 hệ thống vệ tinh phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan. Các hệ thống này hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.
Đến nay, Hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan với hơn 99,65% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia, xử lý 99% tờ khai xuất nhập khẩu với hiệu suất vận hành 24/7 ổn định, an ninh, an toàn và hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2024, đã có 16,8 triệu tờ khai của 106 nghìn doanh nghiệp với kim ngạch ước tính khoảng 780 tỷ USD đã được thực hiện trên hệ thống công nghệ thông tin. Trung bình 1 ngày, hệ thống công nghệ thông tin xử lý khoảng 46 nghìn tờ khai xuất nhập khẩu với kim ngạch ước tính trên 2,1 tỷ USD.
Cùng với hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh do cơ quan Hải quan xây dựng đóng vai trò là hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu trong công tác nghiệp vụ hải quan. Trong khi Hệ thống VNACCS/VCIS phục vụ chủ yếu việc tiếp nhận, cấp số và phân luồng tờ khai thì các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh phải thực hiện tất cả các nghiệp vụ quản lý hải quan còn lại như quản lý, thu thuế xuất nhập khẩu, giám sát hải quan, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu và xử lý vi phạm…

Hiện tại, Cơ chế Một cửa quốc gia phục vụ triển khai thủ tục hành chính cho 13 bộ, ngành; thường xuyên có khoảng 60 nghìn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính với trên 4 triệu giao dịch/năm; thủ tục cho tàu thuyền xuất nhập cảnh tại các cảng biển trên toàn quốc cũng như tàu bay xuất nhập cảnh tại các sân bay quốc tế đều được thực hiện thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia.
Mỗi năm có trung bình trên 400 nghìn chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử được trao đổi thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia, tiết kiệm ít nhất 8 triệu USD cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng xúc tiến mở rộng sang việc trao đổi các chứng từ hành chính thương mại khác như chứng nhận kiểm dịch động vật, tờ khai xuất khẩu...
Tập trung xây dựng hệ thống thay thế
Với tốc độ tăng trưởng của thương mại Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, Hệ thống VNACCS/VCIS hoạt động trong tình trạng quá tải và đã vượt ngưỡng thiết kế hơn 200%. Ở góc độ quản lý, Hệ thống VNACCS/VCIS vẫn còn một số hạn chế như chỉ đáp ứng một phần các yêu cầu nghiệp vụ thông quan hàng hóa, nhưng chưa bao quát đầy đủ các chức năng khác như quản lý thuế, giám sát hải quan và quản lý rủi ro. Đó là nguyên nhân ngành hải quan phải duy trì các hệ thống vệ tinh để hỗ trợ các nghiệp vụ còn thiếu.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, doanh nghiệp gặp phải một số khó khăn như việc khai báo hải quan bị giới hạn về số lượng ký tự và số dòng hàng, dẫn đến phải khai nhiều tờ khai cho lô hàng lớn. Hệ thống cũng chưa hỗ trợ đầy đủ việc theo dõi hàng hóa tạm nhập tái xuất theo mục đích cụ thể và chưa cho phép khai báo trong trường hợp người tái xuất khác với người tạm nhập. Việc quản lý vận chuyển độc lập gặp khó khăn do thông tin truyền giữa các hệ thống có độ trễ.
Cục trưởng Cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, để giảm thiểu các rủi ro gây mất an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin, cơ quan Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện giải pháp bằng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Hệ thống Công nghệ thông tin thực hiện hải quan số để cấu trúc lại, thay thế các hệ thống đã triển khai từ lâu; tiếp tục nhận hỗ trợ từ Nhật Bản để duy trì Hệ thống VNACCS/VCIS hoạt động ổn định cho đến khi hệ thống mới được triển khai, dự kiến vào năm 2030. Đồng thời, kiến nghị khẩn trương xây dựng hệ thống thay thế VNACCS/VCIS và phát triển hệ thống dự phòng cho các trường hợp sự cố.