Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đánh giá, thời gian qua các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả tương đối tích cực. Các dự án, tiểu dự án được Chính phủ thiết kế khá cụ thể, tạo điều kiện cho quá trình thực hiện tại các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tiễn triển khai cũng cho thấy còn không ít khó khăn, hạn chế. Tiến độ một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần còn chậm như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sắp xếp dân cư; hỗ trợ phát triển sản xuất; khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ khoán và bảo vệ rừng, đào tạo, tập huấn....
Do đó, để các địa phương có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn; nâng cao hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia thì việc xây dựng và triển khai một nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện là hết sức cần thiết.
Tham gia ý kiến vào các nội dung cụ thể, có ý kiến đề nghị, cần cụ thể trường hợp nào là “cần thiết” tại quy định của điểm c, khoản 1 Điều 4: "HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia...". Đồng thời, nên phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ HĐND tỉnh họp thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân.
Tại khoản 4, Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng, mặc dù Nghị định 38/2023/NĐ-CP có quy định “ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hoá, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án…” nhưng các địa phương chưa triển khai được quy định này. Nguyên nhân không triển khai được là do vướng mắc về tiêu chuẩn của con giống và việc xác định giá thị trường. Do đó, cần quy định chặt chẽ song vẫn có độ mở để phù hợp với thực tế ở các địa phương.
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đa số đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 2: “HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, phương án này sẽ bảo đảm phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng tính trách nhiệm của địa phương, chủ động hơn trong giải ngân nguồn vốn vì địa phương sát với thực tế, nắm vững khó khăn, vướng mắc và chủ động đưa ra các giải pháp giải quyết kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này thật kỹ lưỡng.
Liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại điểm d, khoản 5, Điều 4, các đại biểu đề nghị, làm rõ những nội dung nào đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành thì phải được nêu trong Nghị quyết này để bảo đảm tính pháp lý. Ngoài ra, một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về việc một số nội dung, dự án đang thực hiện có được thí điểm hay không? trường hợp được áp dụng thì chuyển tiếp như thế nào để bảo đảm tính thống nhất, tường minh, chặt chẽ.