Cho đến nay, pháp luật nước ta đều quy định: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, song tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của HĐND hiện chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Về tổ chức bộ máy: đại biểu HĐND tỉnh được bầu theo cơ cấu dẫn đến chất lượng hoạt động không cao; số đại biểu hoạt động chuyên trách ít nên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND các cấp năm 2005: đối với Thường trực HĐND, chỉ có Phó chủ tịch và Ủy viên Thường trực hoạt động chuyên trách. Đối với các ban, Trưởng ban có thể làm việc chuyên trách, nếu Trưởng ban làm việc kiêm nhiệm thì Phó trưởng ban phải làm việc chuyên trách). Do vậy, hoạt động của HĐND cấp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Khắc phục bất cập này, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Tuyên Quang đã tiếp tục đổi mới bộ máy tổ chức của HĐND tỉnh, như: tăng cường chất lượng đại biểu HĐND tỉnh, tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách trong Thường trực và các ban HĐND. Hiện HĐND tỉnh có 12 đại biểu hoạt động chuyên trách (mỗi ban HĐND đều có Trưởng ban và một Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, riêng Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Dân tộc có 2 Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách). Trong các đại biểu hoạt động chuyên trách có 6/12 đại biểu là ủy viên BCH Tỉnh ủy, trong đó, có 1 đại biểu là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 4 người có trình độ học vấn trên đại học. Việc tăng cường chất lượng đại biểu, nhất là số đại biểu chuyên trách là điều kiện quan trọng để HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, từng bước đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.
Bên cạnh đó, kiện toàn Văn phòng theo Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 ngày 11.12.2007 của UBTVQH cũng được quan tâm (bố trí đủ lãnh đạo Văn phòng, các phòng chuyên môn và thành lập các tổ chuyên ngành tham mưu theo lĩnh vực). Nhìn chung, Văn phòng đã đáp ứng được yêu cầu tham mưu, phục vụ Thường trực, các ban HĐND. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với công chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ có sự khác biệt (như cùng công việc tham mưu, phục vụ nhưng chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người lao động phục vụ hoạt động của QH và HĐND tỉnh có sự khác nhau, một bên chi trả từ nguồn kinh phí trung ương nên cao hơn) dẫn đến cách nhìn nhận khác nhau.
Đáp ứng kỳ vọng của cử tri, HĐND tỉnh đã cố gắng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, song thực tế vẫn còn những vướng mắc: việc quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương được thực hiện theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật. Thực tiễn hoạt động cho thấy, việc phân quyền cho địa phương còn hạn chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 44 nghị quyết về cơ chế, chính sách; trong đó có 38 nghị quyết ban hành theo ủy quyền của Trung ương, theo hướng dẫn tại các luật, nghị định, thông tư, vì vậy phần nào hạn chế sự chủ động, sáng tạo của địa phương.
Đối với việc thực hiện chức năng giám sát, theo quy định hiện hành, HĐND chỉ thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp. Thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Tuyên Quang cho thấy, phạm vi, đối tượng giám sát của HĐND cấp tỉnh rộng hơn, bao gồm UBND các cấp và các cơ quan tư pháp ở cả hai cấp (tỉnh và huyện). Chỉ khi làm được như vậy mới nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ triệt để. Chẳng hạn, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật trong điều tra, xét xử án hình sự của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp huyện, TAND, VKSND cấp tỉnh. Qua giám sát đã chỉ ra được những tồn tại hạn chế, xác định chính xác nguyên nhân để kiến nghị khắc phục kịp thời; từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp tại địa phương.
Từ những phân tích trên, để HĐND cấp tỉnh thực sự là một trong những thiết chế đại diện của nhân dân địa phương, phải xác định rõ vị trí, tính chất của HĐND trong bộ máy chính quyền địa phương, là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu phân quyền hợp lý hơn cho chính quyền địa phương, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong việc giải quyết các công việc của địa phương.
Bảo đảm các điều kiện để HĐND hoạt động hiệu quả, cần bố trí cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Trưởng các ban HĐND và Chánh Văn phòng HĐND. Trưởng ban, Phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh phải làm việc chuyên trách. UBTVQH khi quy định số lượng thành viên các ban HĐND cần xem xét quy định rõ tỷ lệ Phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách, bảo đảm đáp ứng yêu cầu hoạt động. Trung ương khi hướng dẫn xây dựng cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 phải quy định rõ tiêu chuẩn chất lượng, trình độ của đại biểu để thực sự đại diện cho nhân dân địa phương. Cũng cần xác định rõ vị trí của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trong bộ máy chính quyền địa phương; quy định rõ về cơ cấu, tổ chức và chế độ, chính sách để thống nhất áp dụng.