Đó là nhận định của các chuyên gia tại, Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo báo chí - tuyên truyền trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 5.6, Hà Nội.
Bắt kịp xu thế của thời đại
Nắm bắt được sự thay đổi trong xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng, chuyển đổi số chính là chiến lược phát triển trọng tâm của báo chí - truyền thông. Theo các chuyên gia, nhiều cơ quan báo chí - truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một hành trình mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua khủng hoảng thành công.
Tại Việt Nam, ngày 6.4.2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, hỗ trợ 3 nền tảng (nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí) giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số.
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Đánh giá về xu hướng phát triển tất yếu của báo chí - truyền thông, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 (Quân ủy Trung ương), Đại tá, ThS. Đỗ Phú Thọ chia sẻ, hiện nay, một số cơ quan báo chí đã tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big data... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại, như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các báo: VietnamPlus, VnExpress…
Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang nhận định, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong xây dựng chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia. Với tư cách là một ngành năng động, bám sát sự phát triển của thời cuộc, báo chí - truyền thông đang chuyển đổi mình, tích hợp công nghệ số, thay đổi toàn diện từ nội dung đến cách thức thực hiện nhằm góp phần thay đổi thói quen và đáp ứng nhu cầu của công chúng mục tiêu.
PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang cũng nhận định, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới và ở Việt Nam đã có các hành động cụ thể như: xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm; tăng cường sự tham gia và tương tác của công chúng...
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Các chuyên gia cũng cho rằng, sự bùng nổ công nghệ đã cách mạng hóa cách thức thu thập, sản xuất, lưu trữ, phân phối thông tin, thay đổi khối lượng và tốc độ phát tán của các luồng thông tin trên khắp thế giới.
Cùng với đó sự ra đời của các mạng xã hội, nền tảng, ứng dụng thông tin, người dùng có thể sáng tạo ra sản phẩm báo chí dưới nhiều hình thức: video, mẩu tin, ảnh hiện trường..., hoặc tham gia vào quá trình sản xuất báo chí, hay quá trình phát hành báo chí bằng nhiều công cụ khác nhau. Tạo ra một thế giới phẳng với biển thông tin đa dạng, tạo ra một “ngôi làng toàn cầu”.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị về tăng cường kết nối, chia sẻ, tiếp cận thông tin, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang cũng nêu ra thực trạng, không ít người dùng cũng tạo ra sự hỗn loạn thông tin với nhiều hệ lụy đối với xã hội. Vấn nạn tin giả, xấu, độc đang làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận thông tin, làm cho nhiều người trong số họ có cách nhìn thiên lệch, gây chia rẽ và để lại những “vết sẹo” trong xã hội.
Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, báo chí số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải có những kỹ năng và kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Điều này dẫn tới những thách thức mới đối với công tác đào tạo nghiệp vụ báo chí số ở tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Xu thế mới, tạo ra nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực báo chí số. Do đó, cần nâng cao năng lực cập nhật, đổi mới của các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông ở Việt Nam. Xác định rõ các tiêu chuẩn đầu ra và mô hình đào tạo nghiệp vụ báo chí số để có chương trình đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của thị trường lao động của lĩnh vực này.