Để người dân yên tâm sản xuất trên diện tích được giao
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam kiến nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất nông nghiệp bỏ hoang (ban hành định mức hỗ trợ chuyển đổi đối với từng ngành sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương). Có chính sách hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng và thực hiện các mô hình bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa, sản xuất an toàn; đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách để doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất.
Trên cơ sở nhìn nhận thực tế, nhất là những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, qua tổng hợp kết quả giám sát của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp (đất trồng lúa) bị bỏ hoang giai đoạn 2021 - 2023, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương quan tâm, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp (sản xuất lúa) để người dân yên tâm sản xuất trên diện tích được giao và sản xuất lúa có lãi; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang nuôi thủy sản, trồng cây nông nghiệp… phù hợp; quy định mức hỗ trợ theo từng phương thức, quy mô chuyển đổi.
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương về tích tụ tập trung ruộng đất, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Công khai, lấy ý kiến Nhân dân trước khi thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Tăng cường trách nhiệm quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, hướng dẫn việc thực hiện phát triển các loại hình dịch vụ du lịch trên đất lúa, đất nông nghiệp mà không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; đề ra giải pháp tích cực, phương án cụ thể đối với diện tích đất bỏ hoang phù hợp điều kiện thực tế địa phương, phát huy hiệu quả đất sản xuất hạn chế thấp nhất tình trạng đất hoang hóa.
Đối với diện tích đất nằm trong diện quy hoạch và một số ít diện tích nằm xen lẫn khu dân cư hoặc sau khi xây dựng các công trình hạ tầng nhưng diện tích đất lúa còn lại không thể tiếp tục sản xuất lúa, đề nghị sớm triển khai thu hồi và có phương án hỗ trợ chuyển đổi phù hợp hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở và các loại đất khác phù hợp. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ đất trồng lúa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất, nhất là các hành vi tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi hiện trạng đất lúa, bỏ đất hoang hóa. Nghiên cứu xây dựng phần mềm chuyên dụng và bản đồ về quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp (trong đó có đất lúa) để thuận lợi trong công tác quản lý đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng.
Khuyến khích đầu tư khu vực nông nghiệp, nông thôn
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đánh giá hiệu quả các chính sách trong phát triển nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng; đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, xác định những “điểm nghẽn” của cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ, phương thức hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, hỗ trợ về tín dụng để kiến nghị HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tích tụ tập trung đất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng nhằm tăng quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch lại giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa hiệu quả thấp sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc theo hình thức vườn - ao - chuồng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch xanh nhằm tăng giá trị cho ngành nông nghiệp. Huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư, thuê đất sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp, các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác để được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư. Vận động tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm chi hội nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, dịch vụ, chế biến sâu… nông nghiệp hữu cơ, chú trọng chất lượng sản phẩm…