Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành trong kết luận Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 3 về chủ đề: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo tinh thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ, đại biểu HĐND.
Căn cứ xác định rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân
Chương trình giám sát được quy định tại Điều 58 và Điều 67 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nhưng chỉ đề cập đến trình tự thủ tục thông qua mà chưa có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ trình. Chính vì vậy, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, nhằm hướng tới sự thống nhất, đồng bộ trong cả nước, Điều 4 Nghị quyết đã quy định về các tài liệu trong hồ sơ trình. Cụ thể: (1) Tờ trình; (2) Báo cáo tổng hợp các nội dung giám sát chuyên đề; (3) Dự thảo Nghị quyết. Trong Tờ trình, cần làm rõ sự cần thiết, đối tượng, phạm vi giám sát dự kiến cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp chuẩn bị nội dung giám sát và đặc biệt là các “biện pháp tổ chức thực hiện”. Trong báo cáo phải thống kê các nội dung giám sát chuyên đề đã thực hiện trong 2 năm trước thời điểm đề xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: xác định các tài liệu và yêu cầu trong hồ sơ trình sẽ chuẩn hóa việc xây dựng chương trình giám sát, tránh trùng lắp với các hoạt động giám sát giữa các năm gần nhau, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân để HĐND, Thường trực HĐND có căn cứ xem xét, thông qua, làm cơ sở để việc thực hiện chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND hiệu quả, chất lượng.
Các quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định thẩm quyền giám sát của HĐND nhưng chưa rõ về thời điểm thực hiện. Vì vậy, Nghị quyết đã xác định các mốc thời gian. Cụ thể: Khoản 1 Điều 5; khoản 1 Điều 9; khoản 1 Điều 11; khoản 6 Điều 19; khoản 1 Điều 22; khoản 1 Điều 26. Việc xác định rõ thời gian như Nghị quyết bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng thời là căn cứ xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện đúng theo mốc thời gian đã quy định - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành lưu ý.
Cùng với đó, để thực hiện đúng nguyên tắc trong hoạt động giám sát đặt ra tại Điều 3, Nghị quyết đã có các quy định nhằm xác định tiêu chí lựa chọn các nội dung phù hợp với từng hoạt động giám sát. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri vì đây là một nội dung đang được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Vừa giao nhiệm vụ, đồng thời cũng tạo tính chủ động
Trên cơ sở quy định tại Điều 60 và Điều 69 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 12 Nghị quyết đã quy định cụ thể hơn trình tự thực hiện chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND. Theo đó, HĐND quy định cụ thể thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn, việc điều hành của Chủ tọa, quyền tranh luận của đại biểu trong Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND hoặc Nội quy kỳ họp HĐND. Ngoài quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND, hoạt động chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND cũng có thể được quy định tại Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: Việc xây dựng trình tự chất vấn là một vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm trong quá trình sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội và Quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ được xem xét, thông qua thời gian tới. Mặc dù chỉ điều chỉnh về trình tự, thủ tục nhưng Nội quy kỳ họp và Quy chế hoạt động có ý nghĩa quan trọng nên cần xây dựng được trình tự chuẩn mực như các bộ quy tắc. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về cách thức tổ chức hoạt động chất vấn tại Nghị quyết vừa là giao nhiệm vụ, đồng thời cũng tạo tính chủ động trong việc ban hành Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND, Nội quy kỳ họp của HĐND, Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND phù hợp với từng cấp, từng địa phương.
Nghị quyết cũng đã quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện trong tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, huyện. Đối với cấp xã, Nghị quyết đã có sự phân định từng loại hình phục vụ để xác định trách nhiệm của các cơ quan tham mưu bảo đảm phù hợp với điều kiện số lượng đại biểu HĐND và thành viên Ban HĐND cấp xã ít, HĐND cấp xã không có cán bộ chuyên trách giúp việc. Theo đó, có những hoạt động được giao cho bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã, như quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 3 Điều 12. Có những hoạt động được giao cho các Ban của HĐND cấp xã trực tiếp thực hiện, cụ thể: xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hàng năm của HĐND, Thường trực HĐND (khoản 2 Điều 7); chủ động thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề của Ban (khoản 4 Điều 16).