Đưa “hơi thở” cuộc sống vào nghị trường
Theo dõi sát diễn biến Kỳ họp thứ Hai, từ các phiên thảo luận đến chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp có thể thấy tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân đã được đại biểu lắng nghe, ghi nhận, chuyển hóa thành các nội dung thảo luận, chất vấn để bàn thảo, hiến kế, tìm hướng giải quyết khả thi nhất. Vì vậy, “hơi thở” cuộc sống đã đầy ắp nghị trường, quan điểm “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, đã được thể hiện rất rõ.
Trước hết là trong các phiên thảo luận, đó chính là hàng loạt đề xuất quan tâm đến lực lượng công nhân lao động, khắc phục tình trạng người lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê; là những phương án đề xuất hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn cần kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; là đề xuất cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để không chỉ phát triển nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả mà còn giúp người lao động không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Hay những vấn đề đặt ra hiện nay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau với những đề xuất hết sức thiết thực như: Quan tâm hơn đến bài toán đầu ra cho nông sản để không những giảm thiểu tình trạng được mùa, rớt giá, không phải lặp đi lặp lại câu chuyện “giải cứu” cho nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Quan trọng hơn là nâng cao giá trị sản xuất để người dân gắn bó hơn với nông nghiệp, nông thôn; là việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng, hoặc lồng ghép cụ thể hơn vào các chính sách chung, những đặc thù liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022 cũng như trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn, những vấn đề "nóng bỏng" của cuộc sống, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, thiết thực của cử tri đã được những người đại diện mang đến nghị trường để làm rõ, tháo gỡ, đôn đốc việc thực hiện. Đó là các vấn đề về: Quản lý giá các sinh phẩm, dịch vụ y tế phục vụ phòng chống dịch; giải pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ; chăm lo cho trẻ em mồ côi vì đại dịch Covid-19; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm; chiến lược đầu tư để hạn chế các làn sóng di cư lao động trong tương lai; việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học…
Cộng đồng trách nhiệm trước những vấn đề quốc kế dân sinh
Nhìn lại thành công của kỳ họp, nhất là phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự đánh giá cao của cử tri không chỉ ở vai trò điều hành của Chủ tọa, trách nhiệm của đại biểu mà còn ở tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị trên cơ sở nắm khá rành rẽ mọi vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ trưởng (dù một số nhận nhiệm vụ chưa lâu và lần đầu ngồi ghế “nóng”) trực tiếp trả lời chất vấn và cả các Tư lệnh ngành tham gia giải trình thêm các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý khi được Chủ tọa yêu cầu. Qua đó, thể hiện rõ nét tinh thần cộng đồng trách nhiệm trước những vấn đề quốc kế dân sinh.
Với tinh thần ấy, đông đảo cử tri và nhân dân kỳ vọng, không chỉ dừng lại ở việc nhận trách nhiệm hay ghi nhận những “hiến kế”, đưa ra lộ trình giải quyết, mà còn là sự quyết liệt thực hiện các giải pháp đã được đề ra, những cam kết hậu chất vấn và trả lời chất vấn… Điều này hoàn toàn có cơ sở, không chỉ bởi tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị của các Tư lệnh ngành, thành viên Chính phủ đã được thể hiện rất rõ trong các phiên họp, mà còn ở sự tăng cường giám sát, quyết tâm theo đến cùng những vấn đề đặt ra của Quốc hội nhiều lần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại kỳ họp.
Rất cần được phát huy ở cơ quan dân cử địa phương
Trong các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ cuối năm sắp tới, Thường trực HĐND các địa phương đặc biệt quan tâm đổi mới, linh hoạt trong cách thức tổ chức để phù hợp thực tế và nâng cao hiệu quả các cuộc tiếp xúc giữa các đại biểu dân cử với cử tri, nhất là tăng cường TXCT chuyên đề hoặc kết hợp tham vấn nhân dân.
Rất nhiều đại biểu bên cạnh các phương tiện tiếp xúc truyền thống đã tăng cường mối liên hệ với cử tri bằng nhiều cách thức khác nhau, nhất là qua các nền tảng mạng xã hội để lắng nghe, thu thập ý kiến, góp ý của cử tri. Bởi, liên hệ với cử tri chính là nhịp cầu đại biểu dân cử phải bắc để hoạt động của cơ quan dân cử ngày càng thiết thực, thời sự hơn và gắn với nhịp sống của xã hội nhiều hơn. Yêu cầu đặt ra là đại biểu học cách lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri bằng cả trái tim, đặt mình vào vị trí cử tri, thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc với những vấn đề đặt ra để cùng tìm cách giải quyết có hiệu quả; học cách chắt lọc thông tin để thực hiện chức năng giám sát, chất vấn và quyết định... như đã được thể hiện rất sôi động tại nghị trường Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
Cùng với đó, tinh thần cộng đồng trách nhiệm trước những vấn đề đặt ra của địa phương cũng rất cần được phát huy. Để không còn tình trạng lợi dụng diễn đàn kỳ họp để thực hiện mục đích cá nhân; tình trạng vòng vo, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trước những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. Đặc biệt là sự chậm trễ, chây ỳ trong thực hiện những vấn đề cam kết, quyết nghị… Tất cả cần sự cùng vào cuộc trách nhiệm từ cơ quan điều hành và cả cơ quan dân cử, vì sự phát triển bền vững của địa phương cũng chính là của quốc gia, dân tộc.