Đây là nhấn mạnh của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tọa đàm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Trẻ em cùng với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 28.4, tại Hà Nội.
Chế tài phải đủ răn đe đối với hành vi xâm hại trẻ em
Từ góc nhìn của một nhà lập pháp, đánh giá về khung pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được bao quát các nội dung, các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Tiếp cận thông tin; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 Về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, và các nghị quyết có liên quan khác, ví dụ như các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Nghị quyết về giám sát, Nghị quyết chất vấn… đều có những nội dung liên quan đến công tác tăng cường việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trên cơ sở các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản pháp lý, trong đó có các nghị định liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng, các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản luật, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp thông tin trên mạng internet. Cùng với đó, các bộ cũng ban hành văn bản liên quan nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
“Tuy vậy, với sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực viễn thông cũng như công nghệ thông tin truyền thông, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nội dung các văn bản cần phải liên tục được điều chỉnh, chỉnh lý để cập nhật những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, từ đó đáp ứng được nhu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện nay” – bà Thoa nói.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, phải tăng nặng hình phạt, chế tài đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Chỉ ra thực tế gần đây có những nghệ sĩ, những người nổi tiếng, youtuber, blogger, facebooker có lượng tương tác và người theo dõi rất lớn trên môi trường mạng, nhưng những hành vi của họ nêu gương xấu, thậm chí là lợi dụng sự nổi tiếng đó để thu lợi bất chính, xâm hại những người hoạt động trên môi trường mạng nói chung và trẻ em nói riêng, nhưng ông Nam cho rằng chúng ta thiếu căn cứ pháp lý để xử lý và đánh giá hậu quả đối với những trường hợp này. Cần hoàn thiện quy định pháp lý đối với vấn đề này.
Thiết lập biện pháp kỹ thuật ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
Đề cập đến trách nhiệm của chủ thể liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ông Đặng Hoa Nam cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và thu lợi từ môi trường mạng. Theo đó, các chủ thể này phải chặn, lọc, gỡ những thông tin, hành vi mà nó gây hại cho trẻ trên môi trường mạng. Họ cũng phải là những người đưa ra giải pháp về mặt kỹ thuật để bảo vệ trẻ trẻ em.
Đồng quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, còn có trách nhiệm của các doanh nghiệp, phải đưa ra những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Trong các biện pháp quản lý, cũng cần nói đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đối với những mạng xã hội lớn phải có biện pháp quản lý. Ví dụ như mạng xã hội có lượng người dùng lớn thì phải có cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em, có tính năng thông báo các nội dung gây hại cho trẻ em, chặn lọc các nội dung gây hại cho trẻ em, các tài khoản có hành vi xâm hại trẻ em. Trong trường hợp trẻ em có đăng ký tài khoản sử dụng thì phải có biện pháp giúp cha mẹ, người chăm sóc trẻ em giám sát các hoạt động của trẻ em khi tham gia trên môi trường mạng.
Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Tuân
“Phải quy định trách nhiệm, và tương ứng với các hành vi vi phạm là các biện pháp xử lý. Ví dụ như ở mức độ nào thì xử lý hành chính, ở mức độ nào xử lý hình sự. Khi quy định được cụ thể các hành vi, nhận diện được cụ thể các hành vi vi phạm, chúng ta mới quy định được mức xử phạt mà khi áp dụng trên thực tế có đủ mức độ răn đe, cảnh báo cho hành vi vi phạm tiếp theo. Đó là những vấn đề chúng tôi cho rằng rất đáng lưu ý trong việc tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian tới” – bà Thoa nói.
Trong khi đó, nhấn mạnh đến việc cần hoàn hiện hành lang pháp lý đối với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Tuân cho biết, Bộ Thông tin và tin Truyền thông đang được Chính phủ giao soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Dự thảo Nghị định cũng đã đưa ra khái niệm hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là thế nào, thế nào là thông tin độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Ngoài ra, dự thảo nghị định xác định việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bảo vệ thanh, thiếu niên trên môi trường mạng là một trong những biện pháp quản lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển cũng như để quản lý internet một cách hiệu quả hơn.
Việc sớm ban hành nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt, sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước và người dân có công cụ kiểm soát, quản lý các mạng xã hội nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả hơn.