Sống chung với ô nhiễm
Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống - chiếm tỷ lệ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Nhắc đến Hà Nội thì làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng chắc hẳn sẽ là những điểm du lịch làng nghề thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm hiện nay. Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Sự phát triển của các làng nghề cũng giúp cải thiện thu nhập cho người lao động, hiện đạt bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này nhìn chung còn thấp và không đồng đều nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông. Song, bên cạnh đó, làng nghề tại Hà Nội đang còn tồn tại rất nhiều vấn đề, trong đó môi trường là vấn đề nổi cộm nhất. Có lẽ, cũng vì thế mà “Sống chung với ô nhiễm” hay “Ra đường là ô nhiễm”… là những cụm từ quen thuộc khi đến những làng nghề hiện nay.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia, nguyên nhân là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm thỏa đáng tới vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại còn ít. Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, phát triển tự phát và không có công nghệ xử lý chất thải.
Theo Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật Sản phẩm làng nghề Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Tòng, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội nhiều năm qua đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm. Trong đó, không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất… Không những gây ảnh hưởng đến môi trường, còn khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các nhóm người trong độ tuổi lao động.
Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện 70% số thiết bị được sử dụng tại các làng nghề là máy móc, trang thiết bị đơn giản. Số máy móc hiện đại chỉ tập trung tại một số làng với những ngành nghề như dệt, may, gốm sứ. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực làng nghề nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Do vậy, ô nhiễm môi trường đang trở thành tình trạng chung, là vấn đề nổi cộm của hầu hết các làng nghề ngoại thành Hà Nội và ngày càng có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như phát triển sản xuất.
Áp lực lớn
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề, từ nhiều năm nay, TP. Hà Nội đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Hiện, thành phố cũng đang tiến hành kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải từ làng nghề. Đặc biệt, tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Kế hoạch đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu (đến hết năm 2025) gồm: 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; phấn đấu 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội. Điều này thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu đề ra sẽ là một thách thức, không chỉ đến ở kinh phí mà còn là cả ý thức của người dân cũng như cơ sở sản xuất.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, thành phố cần 1.350 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, cần 750 tỷ đồng để triển khai xây dựng hệ thống tại 50 làng nghề trọng điểm thuộc các huyện: Hoài Đức, Chương Mỹ... Giai đoạn 2021 - 2030, cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Một số trạm xử lý nước thải đã và đang được đầu tư xây dựng, bước đầu cải thiện tình trạng ô nhiễm. Có thể kể đến: Trạm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với công suất 200 - 300 m3/ngày đêm; Cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức với công suất 20.000 m3/ngày, đêm; Cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái, huyện Thường Tín với công suất 500 m3/ngày, đêm; làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, với công suất 1.000 m3/ngày, đêm; hai nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại các xã: Sơn Đồng, Vân Canh, thuộc huyện Hoài Đức, công suất 4.000 và 8.000 m3/ngày, đêm…
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay dù các làng nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động và tổng doanh thu của các làng nghề lên tới 22-25 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển làng nghề hiện nay là ô nhiễm môi trường. “Số lượng làng nghề của Hà Nội khá lớn, với nhiều nhóm nghề khác nhau. Hơn nữa, còn tình trạng sản xuất tại hộ gia đình, khu dân cư, nên không thể đầu tư để đổi mới công nghệ và đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, số lượng điểm, cụm, khu công nghiệp tại các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của các làng nghề”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin.