Đây là nhấn mạnh Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam tại Tọa đàm Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Trẻ em cùng với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 28.4, tại Hà Nội vừa qua.
Phải tạo “vaccine số” cho trẻ em
Nhấn mạnh hiện nay trẻ em đã trở thành đối tượng để những tội phạm hoạt động trên môi trường mạng lợi dụng, gây ra những hành vi xâm phạm và chiếm đoạt, lừa đảo về mặt kinh tế, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, cần phải tạo ra giải pháp lâu dài bởi chúng ta sống trong một thế giới số, kinh tế số, xã hội số thì chúng ta phải có những công dân số. Những “công dân số” thì phải là những công dân ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là kể cả ở lứa tuổi mẫu giáo, mầm non chúng ta cũng phải có những bước đào tạo trở thành những công dân số. Trẻ em cần được trang bị kiến thức, các kỹ năng ứng xử, kỹ năng ở trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa cho đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. “Không chỉ là ứng cứu, ứng phó mà chúng ta phải có sự phòng ngừa và ngăn chặn tốt hơn” – ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cũng chia sẻ thêm, để hỗ trợ trẻ em, chúng ta đã có Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý. Đây là dịch vụ kết nối giữa yêu cầu, nhu cầu của người dân, của trẻ em, của các bậc cha mẹ đến các cơ quan chức năng để chúng ta có thể bảo vệ kịp thời trẻ em ở trong đời thực cũng như trên không gian mạng. Tổng đài ngoài chức năng là đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin tố cáo, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng còn tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em, các bậc cha mẹ, người quan tâm đến bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng để chúng ta có thể thực hiện chuyển tuyến, chuyển hóa giữa các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em. Đặc biệt là các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với trẻ em và kết nối giữa gia đình với nhà trường, với các dịch vụ xã hội khác để phòng ngừa tối đa nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng cũng như giải cứu kịp thời những trường hợp trẻ em không biết xử lý như thế nào khi bị bủa vây bởi những thông tin, hiện tượng bắt nạt trên môi trường mạng.
Đồng quan điểm với ông Nam về việc cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bị xâm hại trên môi trường mạng, ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quan trọng nhất là làm sao trang bị cho trẻ em một hệ miễn dịch và thường xuyên tiêm “vaccine số” cho trẻ để trẻ có một hệ miễn dịch thật tốt, có thể tự bảo vệ được mình trên môi trường internet.
Chỉ bảo vệ được trẻ khi có sự phối hợp của trẻ em, cha mẹ và nhà trường
Thực tế cho thấy, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là mối quan tâm của mỗi gia đình mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó, về mặt pháp lý chúng ta đã ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nhằm triển khai các biện pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cùng với đó là các biện pháp về giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức để giúp trẻ tự phân biệt được để tự bảo vệ mình. Song song với đó là giải pháp về mặt kỹ thuật, ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin độc hại, những thông tin xấu, hoặc dán những cảnh báo hạn chế độ tuổi đối với trẻ em. Ngoài ra, tổ chức mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em từ những bạo lực xâm hại và những tác hại, mặt trái của môi trường mạng.
Trong khi đó, đề cập đến “lá chắn” để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Nguyễn Đức Tuân nhấn mạnh, công tác bảo vệ trẻ em chỉ có hiệu quả khi có sự hợp tác của tất cả thành phần, trong đó có chính trẻ em, cha mẹ và nhà trường.
Cũng theo ông Tuân, đối với trẻ em cần hai chữ “C”, thứ nhất là phải “cẩn thận”, thứ 2 là phải “chia sẻ”. Cẩn thận là khi các cháu vào các nội dung truy cập cần xem nên vào hay không. Chữ “C” thứ 2 là “chia sẻ”, tức là khi các cháu gặp các sự cố thì phải chia sẻ với người thân của mình.
Đối với cha mẹ và giáo viên cũng cần 2 chữ "C", đó là “chú ý” và “che chở”. "Chú ý" là chúng ta phải để ý các cháu truy cập vào trang web nào, tương tác với ai trên môi trường mạng, kết bạn với ai? “Che chở” là khi các cháu gặp sự cố chúng ta phải thực sự là chỗ dựa cho các cháu. “Tránh tình trạng khi gặp sự cố, thay vì che chở lại làm những hành động gây tổn thương cho các cháu. Đây là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh về các biện pháp bảo vệ trẻ em” – ông Tuân lưu ý.
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch: Phụ huynh học sinh phải là hạt nhân, là lá chắn đầu tiên bảo vệ con cái của mình
Để bảo vệ trẻ em, trong đó có trẻ em miền núi khỏi tình trạng xâm hại trên môi trường mạng, thời gian tới gia đình, nhà trường và xã hội cần có một số giải pháp cũng như định hướng. Trước hết, Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải có giải pháp chuyển biến thật căn cơ đối với công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đó chính là trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống, trước hết là cho bậc phụ huynh. Phụ huynh phải là hạt nhân, là lá chắn đầu tiên bảo vệ con cái của mình.
Đối với nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nội dung đào tạo liên quan đến kiến thức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đưa vào chương trình học tập ngoại khóa cũng như tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt đoàn, đội, thậm chí ở địa phương trong dịp nghỉ hè.