Báo cáo trả lời chất vấn là tài liệu chính thức của kỳ họp
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Ninh Bình được thực hiện trên cơ sở hệ thống câu hỏi do các đại biểu, Tổ đại biểu nêu xoay quanh vấn đề chất vấn, câu hỏi trực tiếp tại phiên chất vấn, không gửi trước câu hỏi cho đối tượng được chất vấn. Việc trả lời chất vấn được chuẩn bị khá nghiêm túc, đúng trọng tâm, cơ bản làm rõ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, đồng thời xác định trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Các cơ quan được chất vấn có trách nhiệm triển khai thực hiện các cam kết tại phiên chất vấn, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cam kết chất vấn, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ tiếp theo. Các báo cáo trả lời chất vấn là tài liệu chính thức của kỳ họp được gửi đến đại biểu HĐND tỉnh để xem xét, giám sát. Theo Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình, đây là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò giám sát của HĐND tỉnh.
Ngoài chất vấn theo từng nhóm vấn đề, HĐND tỉnh Hải Dương đã tổ chức hoạt động chất vấn dưới hình thức “ghế nóng”, các vấn đề chất vấn định hướng theo hướng “mở” và không hạn chế nội dung chất vấn. Để tăng cường tiếp nhận thông tin của cử tri gửi tới kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh bổ sung hình thức cung cấp mã QR-Code và thông báo công khai trên các kênh thông tấn báo chí của tỉnh và trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND... Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục được quan tâm cải tiến, đổi mới theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Thường trực, các Ban HĐND tỉnh luôn đề cao việc thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng hình ảnh, phóng sự phục vụ các phiên chất vấn, giải trình.
Thuê lấy mẫu, khảo sát qua phiếu điều tra xã hội học
Từ năm 2018 đến nay, HĐND tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu và thực hiện tích hợp một số Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh trong cùng một địa bàn và cùng thời điểm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thường trực HĐND các cấp kết hợp giữa giám sát qua báo cáo và tổ chức giám sát trực tiếp, khảo sát, nắm tình hình qua các đợt tiếp xúc cử tri, qua tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Phương pháp giám sát của HĐND tỉnh Bình Thuận cũng từng bước được đổi mới, kết hợp giám sát trực tiếp với giám sát qua báo cáo, khảo sát thực tế; có nội dung giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh đã kết hợp với thuê các tổ chức có chức năng tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu. Như giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017. Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh Hải Dương thì chú trọng kết hợp giữa giám sát trực tiếp tại cơ sở, qua báo cáo và khảo sát qua phiếu điều tra xã hội học để đánh giá toàn diện và sát thực vấn đề giám sát.
HĐND tỉnh Đắk Lắk chú trọng tổ chức các phiên giám sát chuyên đề tại các kỳ họp, được truyền hình trực tiếp, đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận, tranh luận sôi nổi, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề. Trong đó, kiến nghị nhiều vấn đề yêu cầu các cấp, ngành tổ chức thực hiện nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế; được cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Ban HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, phương pháp giám sát được chú trọng đổi mới theo hướng: giám sát chuyên đề kết hợp với khảo sát để nắm bắt tình hình phục vụ cho giám sát. Ngoài chủ động xây dựng chương trình và tổ chức giám sát, các Ban HĐND còn phối hợp với Ban HĐND cấp dưới thông qua 2 hình thức: Ban HĐND cấp trên giám sát tại một số địa bàn, các địa bàn còn lại đề nghị Ban HĐND cấp dưới giám sát sau đó tổng hợp kết quả chung; Ban HĐND cấp dưới giám sát chuyên đề mời Ban HĐND cấp trên cùng tham gia để hỗ trợ, nâng cao chất lượng giám sát.