Theo Ban Kinh tế - Ngân sáchHĐND tỉnhBắc Giang, Thường trực HĐND nên giao Ban HĐND tổ chức thẩm tra ngay từ khâu đề nghị xây dựng nghị quyết,trọng tâm xem xét sự cần thiết và thẩm quyền ban hành, tên nghị quyết; mục tiêu, quan điểm xây dựng; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; nội dung chính sách… Đối với các nghị quyết quan trọng, chính sách có tác động sâu rộng, kéo dài có thể Ban tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và những người am hiểu về lĩnh vực đó, tiến hành khảo sát thực tế để nắm tình hình liên quan; gặp gỡ tranh thủ ý kiến chuyên gia.
Thẩm tra ngay từ khâu đề nghị xây dựng nghị quyết
Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật phải tiến hành theo 2 bước: đề nghị xây dựng nghị quyết và soạn thảo, ban hành nghị quyết. Đây là quy định để HĐND tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng nghị quyết. Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vũ Tấn Cường, ở bước một, Thường trực HĐND nên giao Ban HĐND tổ chức thẩm tra (hiện nay pháp luật chưa quy định trình tự, cách thức Thường trực HĐND tỉnh thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết do UBND tỉnh trình).
Thẩm tra bước này, trọng tâm cần xem xét sự cần thiết và thẩm quyền ban hành, tên nghị quyết; mục tiêu, quan điểm xây dựng; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết; nội dung chính sách (đối với nhóm nghị quyết quy định về chính sách, biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội có tính chất đặc thù của địa phương). Khi thẩm tra sẽ mời các bên liên quan đến để trao đổi sâu, làm sáng tỏ từng vấn đề, vừa phát huy trí tuệ tập thể, vừa tạo được sự đồng thuận chung. Và khi thực hiện các việc tiếp theo để xây dựng nghị quyết được thuận lợi và có chất lượng hơn.
Thời gian qua, khi thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị điều chỉnh tên, phạm vi, nội dung hoặc định hướng đề cươngmột số dự thảo nghị quyết và được Thường HĐND, UBND chấp thuận. Nhờ các ban HĐND tham gia ngay từ đầu quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết đã góp phần nâng cao chất lượng các nghị quyết và thể hiện rõ vị thế, vai trò quyết định của HĐND.
Lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, khảo sát thực tế
Căn cứ nội dung các kỳ họp trong chương trình công tác năm, các thành viên Ban chủ động thu thập, cập nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình, địa bàn mình (thông tin từ hoạt động thực tiễn, qua tiếp xúc cử tri, từ các phương tiện thông tin...). Khi thấy có thông tin thiết thực thì chủ động đưa lên Zalo hoạt động của ban để các thành viên cùng biết, bàn thảo, ghi nhớ phục vụ cho hoạt động thẩm tra sau này… Đối với các nghị quyết quan trọng, chính sách có tác động sâu rộng, kéo dài thì có thể Ban tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động và những người am hiểu về lĩnh vực đó, tiến hành khảo sát thực tế để nắm tình hình liên quan; gặp gỡ tranh thủ ý kiến chuyên gia.
Về công tác chuẩn bị, Ban có lịch thẩm tra sớm, định hướng nội dung trọng tâm cần xem xét, phân công cho thành viên nghiên cứu sâu từng nội dung để bày tỏ ý kiến… Đồng thời, yêu cầu gửi tài liệu sớm nhất có thể cho thành viên ban (gửi cả qua đường thư điện tử hoặc Zalo và gửi bản giấy); đề nghị UBND tỉnh gửi trước tài liệu (có thể lấy bản trình phiên họp UBND tỉnh) để các thành viên Ban nghiên cứu, sau khi UBND tỉnh họp xong thì sẽ gửi bản chính thức, tại hội nghị thẩm tra sẽ yêu cầu UBND tỉnh báo cáo sự điều chỉnh, bổ sung so với bản đã gửi (nếu có).
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vũ Tấn Cường, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trước khi thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lấy ý kiến của một số đối tượng chịu tác động của nghị quyết. Đơn cử năm 2021, Ban đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 của các cấp chính quyền địa phương tỉnh; Nghị quyết quy định phân cấp ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Từ kết quả lấy ý kiến giúp Ban phát hiện những điểm còn chưa hợp lý của chính sách đã chuẩn bị để góp ý hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết. Nhờ lấy ý kiến tham vấn và kết quả thẩm tra của Ban, HĐND tỉnh Bắc Giang đã thống nhất nâng thêm mức hỗ trợ cho hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã từ 75 triệu lên 100 triệu/năm, được UBND tỉnh đồng tình, các cơ sở ghi nhận, hoan nghênh.
Ban đã tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tổ chức đối thoại, tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025. Trên cơ sở ý kiến tham gia, Ban đã đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP khi công nhận lại, nhưng ở mức thấp hơn so với công nhận lần đầu; đề nghị quy định ngân sách tỉnh hỗ trợ các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ lần đầu được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao đối với 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, do các huyện này khó khăn về ngân sách.
Đối với các nghị quyết về quy hoạch, Ban đã tổ chức khảo sát thực tế lấy ý kiến của người dân chịu tác động và đến trực tiếp thực địa nơi quy hoạch, giúp Ban thu thập thông tin đa dạng, nhiều chiều.