Những năm gần đây, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của nước ta tăng nhanh và ổn định, bình quân trên 10%/năm. Tuy nhiên, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển Việt Nam ngày càng giảm, từ 11% năm 2015 xuống còn 5 - 7%, số lượng tàu năm 2020 giảm trên 200 chiếc so với năm 2016… “Thiếu vắng đội tàu Việt Nam là thiệt thòi lớn”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải bình luận.
Nghịch lý hàng tăng - tàu giảm
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid -19 song khối lượng hàng hóa qua cảng biển tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, năm 2020, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 692 triệu tấn, tăng 4%, trong đó khối lượng hàng hóa container đạt 22,41 triệu TEU, tăng 13% so với năm 2019. Năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2%; riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEU, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Nối tiếp đà tăng này, 3 tháng đầu năm 2022, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 179,6 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hàng container giữ vững đà tăng 6% so với cùng kỳ, ước đạt gần 6,3 triệu TEU. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định, trung bình đạt trên 10%.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, diễn biến này là do kim ngạch xuất nhập khẩu 10 năm qua liên tục tăng trưởng tốc độ cao. Ngay năm 2021, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 668 tỷ USD, tăng trên 22%. Điều này cho thấy Việt Nam có vị trí đáng kể trong bản đồ thế giới về lưu lượng hàng hóa!
Thực tế, Việt Nam có vị trí địa kinh tế quan trọng, nằm trên tuyến vận tải hàng hải trọng yếu Đông - Tây bán cầu, chiếm trên 80% khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Hệ thống cảng biển Việt Nam những năm qua đã phát triển đồng bộ, hiện đại, đón được những tàu biển lớn nhất thế giới vào làm hàng. Về cơ bản, hệ thống cảng biển đáp ứng được nhu cầu tàu thuyền ra vào cảng, thời gian tàu đợi cầu rất nhỏ, đáp ứng thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng vận chuyển nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.
Dù vậy, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển ở Việt Nam lại chủ yếu do hãng tàu nước ngoài đảm nhận, đặc biệt tuyến biển xa đến các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ. Đội tàu trong nước hiện chủ yếu đảm nhiệm phần vận tải nội địa do được bảo hộ, hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á. Thị phần vận tải biển tuyến quốc tế của đội tàu vận tải biển Việt Nam đang có xu hướng giảm.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2015, đội tàu vận tải biển Việt Nam đảm nhận 11% thị phần thì giảm dần xuống 7% năm 2018 và còn 5% vào năm 2020. Số lượng tàu năm 2020 giảm trên 200 chiếc so với năm 2016. Trong tổng số hơn 1.040 tàu vận tải hàng hóa, có khoảng 800 tàu chở hàng tổng hợp, hàng rời (77%) từ 5.000 GT trở xuống, chỉ có 13 tàu trên 30.000 GT. Điều này cho thấy đội tàu biển của Việt Nam chủ yếu phù hợp thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực. Chất lượng đội tàu biển còn hạn chế cả về trang thiết bị kỹ thuật của tàu lẫn vận hành của thuyền viên, tuổi tàu cao, trong khi các yêu cầu về an toàn, an ninh và lao động hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của quốc tế ngày càng khắt khe hơn... Nguồn lực tài chính của các chủ tàu còn rất nhỏ nên chưa có được đội tàu đủ mạnh để khai thác, cạnh tranh với hãng tàu nước ngoài, đặc biệt đối với khai thác tàu container. Số tàu container gần như không tăng trưởng trong cả giai đoạn 2016 - 2020…
Việc phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài đã làm giảm tính chủ động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do tác động của dịch Covid-19, giá thuê container đã tăng đột biến, có thời điểm tăng lên 18.000 - 20.000 USD/container 40 feet từ Việt Nam đi Hoa Kỳ và hiện quanh vùng giá 13.000 - 15.000 USD/container. Tình trạng lịch trình tàu thay đổi, thiếu hụt vỏ container cũng diễn ra làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chưa kể, các hãng này còn đặt ra hàng loạt phụ phí, tăng bất hợp lý khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu càng thêm lao đao. “Không loại trừ khả năng các hãng tàu này bắt tay nhau làm giá”, Trưởng phòng Giao nhận toàn quốc, Công ty T&M Forwarding Bùi Thanh Bình nhìn nhận.
Yêu cầu cấp thiết
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), vận chuyển hàng hóa bằng container có lợi thế hơn hẳn. Không chỉ bảo đảm nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, đa dạng, ngành vận tải này còn giúp các doanh nghiệp đang hoạt động có thể đổi công cụ sản xuất cho nhau. Đó là việc đổi chỗ trên tàu và đổi vỏ container trên phạm vi toàn cầu, giống như đổi chỗ của ngành hàng không. Do đó, trong hơn 5 thập kỷ qua, vận tải container bằng đường biển, đường sắt, đường bộ… phát triển rất nhanh chóng.
Cụ thể, tính đến 25.3.2022, trên thế giới đã có 6.346 tàu container với tổng sức chở 25,5 triệu TEU, tổng trọng tải 305.902.000 DWT. Trong khi đó, đội tàu container của Việt Nam còn quá nhỏ. Tính đến 31.3.2022, cả nước có 10 công ty vận tải container, sở hữu 48 tàu container với tổng sức chở 39.519 TEU, tổng trọng tải 548.236 DWT, trong đó có tới 13 tàu trên 25 tuổi, 3 tàu trên 20 tuổi, 15 tàu có trọng tải từ 300 TEU đến dưới 600 TEU chỉ có thể chạy ở trong nước, còn lại 17 tàu có trọng tải từ 600 TEU trở lên có thể chạy các tuyến ở khu vực nội Á.
Bối cảnh Việt Nam hội nhập, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, đang mở ra cơ hội lớn cho tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng như tiềm năng phát triển đội tàu biển (mở rộng thị trường vận tải cho đội tàu của Việt Nam tại thị trường nội địa và các quốc gia thuộc liên minh châu Âu). Song, nếu các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chưa đủ sức vận hành tuyến dịch vụ đi châu Âu, Hoa Kỳ thì vừa không nắm bắt được thời cơ do các FTA mang lại mà còn đứng trước thách thức về việc giảm thị phần vận tải biển nội địa, khi các đội tàu vận tải container nước ngoài thâm nhập thị trường vận tải nội địa tại Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận.
Không những thế, “thiếu vắng đội tàu Việt Nam là thiệt thòi lớn cho chính doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp chủ hàng (có hàng hóa xuất nhập khẩu)”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh. Bởi vậy, phát triển đội tàu container phục vụ xuất nhập khẩu là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm chủ động, kinh tế, an toàn cho xuất nhập khẩu và nền kinh tế của quốc gia!