
Cơ sở là nơi phản ánh rõ nét nhất, sinh động nhất về sự gắn bó mật thiết giữa chính quyền với người dân và cũng là nơi đánh giá thực chất nhất về sức sống của các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước khi được triển khai vào cuộc sống. Ở gần dân nhất, trong suốt quá trình phát triển, HĐND xã luôn được quan tâm, đổi mới và đã từng bước trưởng thành, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính quyền cơ sở. Dẫu vậy, tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã hiện nay do nhiều nguyên nhân vẫn còn những tồn tại, vướng mắc mà hoạt động của các Ban chuyên môn của HĐND cấp xã là một ví dụ tương đối điển hình, khiến cơ quan dân cử cơ sở chưa thể phát huy hết vị trí, vai trò cũng như nhiệm vụ cử tri và Nhân dân giao phó.

Thực tiễn cho thấy ở đâu chính quyền xã mạnh thì ở đó mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa có sự phát triển. Trong tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta, sự gắn bó mật thiết của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử cấp xã với cử tri, với nhân dân từng địa bàn tạo nên sức mạnh của chính quyền cơ sở.

HĐND là một trong hai thiết chế của chính quyền địa phương, được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước ta, phù hợp với đặc điểm của các đơn vị hành chính nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. HĐND cấp xã là cấp gần dân, gắn bó và sâu sát với nhân dân nhất, đại diện cho quyền, lợi ích trực tiếp của nhân dân địa phương.
Chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp xã chủ yếu hiện nay là ban hành nghị quyết quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, như: về xây dựng chính quyền địa phương, phê quyệt dự toán và quyết toán ngân sách, phân bổ ngân sách cấp mình; các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; tổ chức thực hiện hoạt động giám sát…

Tháng 4. 2024 vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức chuyên đề giám sát về hoạt động của các Ban HĐND tại một số địa phương cấp xã trên địa bàn. Kết quả giám sát cho thấy, với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, cùng sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của của cấp ủy, HĐND các cấp, các Ban của HĐND cấp xã đã xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động.
Tại 28 Ban HĐND cấp xã được giám sát trực tiếp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, các Ban đã bám sát Chương trình công tác, sự chỉ đạo của Thường trực HĐND xã và tình hình thực tế để xây dựng chương trình công tác, chương trình giám sát; đồng thời, xây dựng báo cáo kết quả 6 tháng, 1 năm trình tại các kỳ họp HĐND cấp xã theo đúng quy định.

Trước khi tổ chức các kỳ họp của HĐND cấp xã, các Ban phối hợp cùng Thường trực HĐND, UBND cấp xã xây dựng dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, kế hoạch tổ chức kỳ họp, kế hoạch tiếp xúc cử tri và đề xuất nội dung chất vấn theo quy định, thống nhất lựa chọn những nội dung mà cử tri, Nhân dân đang quan tâm, bức xúc để chất vấn UBND, các thành viên của UBND xã, tập trung thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, thu chi ngân sách địa phương, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, giải quyết tranh chấp, xâm lấn đất đai, xây dựng trái phép…; phối hợp với UBND cấp xã và các bộ phận chuyên môn để thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra theo lĩnh vực được phân công.

Một số Ban đã chú trọng công tác khảo sát thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau theo quy định. Một số ban đã xây dựng kế hoạch khảo sát thực địa… để có đánh giá tổng quát về tính khả thi, hiệu quả đầu tư, tiến độ triển khai đầu tư các dự án, giúp đại biểu HĐND xã có thêm thông tin để thảo luận, quyết định các nội dung tại kỳ họp.

Là thiết chế quan trọng, tiếp nhận quyền lực uỷ quyền từ cử tri để thực hiện quyền lực nhà nước tại địa phương, thời gian qua, cùng với tiến trình đổi mới chung của cơ quan dân cử các cấp, công tác đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã đã được tỉnh Quảng Ninh hết sức quan tâm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Chuyên đề giám sát về hoạt động của các Ban HĐND tại một số địa phương cấp xã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức trong tháng 4 vừa qua cũng nhằm kịp thời nắm bắt thực tiễn hoạt động để tiếp tục phát huy các ưu điểm; xác định rõ nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những hạn chế, bất cập, vướng mắc góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các ban HĐND cấp xã.

Tại thị xã Quảng Yên, Phó Chủ tịch HĐND xã Hiệp Hòa Đinh Đức Long cho biết: hoạt động của HĐND xã nói chung, các Ban HĐND xã nói riêng thời gian qua, có những chuyển biến rõ rệt, từng bước được đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần phát huy vai trò người đại biểu Nhân dân tại cơ sở. Riêng các Ban HĐND xã đã nỗ lực thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Cơ bản các thành viên các Ban đều chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chung của Ban, nhiệm vụ đại biểu HĐND với tinh thần trách nhiệm, đáp ứng tiến độ và chất lượng công việc. Nhất là những đóng góp trong công tác xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND; hoạt động giám sát...
“Những chức năng, nhiệm vụ được triển khai đã giúp HĐND xã bám sát thực tiễn trong việc xây dựng, hoạch định chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển; cũng như kịp thời có giải pháp chấn chỉnh các thiếu sót, khuyết điểm để kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”, Phó Chủ tịch HĐND xã Hiệp Hòa Đinh Đức Long cho biết thêm.
Tại huyện miền núi Tiên Yên, thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh và các cấp chính quyền, trên địa bàn xã Phong Dụ, những mô hình sản xuất mới, hiệu quả được triển khai tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây rừng trồng theo hướng bền vững, lâu dài gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều.


Có được kết quả đó, không thể không nhắc đến vai trò của HĐND, các Ban HĐND xã khi đã cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển trọng tâm trên cơ sở điều kiện thực tiễn của địa phương thành các nghị quyết khả thi vào cuộc sống. Trong đó, nổi bật là các nghị quyết liên quan đến triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh và huyện để mang đến những đổi thay rõ nét về thu nhập, chất lượng đời sống người dân.
Ghi nhận tại thủ phủ của tỉnh - TP. Hạ Long, cách đây gần 5 năm, thực hiện Nghị quyết 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển, sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, dù có những thay đổi, song các Ban HĐND cấp xã đã nhanh chóng ổn định.
Ở cấp của mình, những đóng góp của HĐND và các Ban HĐND cấp xã đã góp phần quan trọng triển khai hiệu quả chủ trương phát triển có tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn; nhân lên sức mạnh về tiềm năng và lợi thế nổi trội, góp phần thay đổi tư duy, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới, tạo ra nguồn lực nội sinh. Từ đó, cùng cả hệ thống chính tạo tiền đề, bước ngoặt để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
M. TUÂN - V. ANH- P. HÀ - X. TÙNG - B. TRÂM