
Qua từng lá phiếu bầu, cử tri đã lựa chọn, giao trách nhiệm cho những đại biểu HĐND đại diện cho ý chí, nguyện vọng trong hệ thống chính quyền ở địa phương. Để mỗi quyết định của HĐND đều phản ánh được yêu cầu thực tiễn ở cơ sở, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ, sinh động giữa cuộc sống và chính sách pháp luật phục vụ phát triển thì yêu cầu hoàn thiện quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn HĐND cấp xã nói chung, của các Ban HĐND cấp xã nói riêng là yêu cầu tất yếu hiện nay.

Chính quyền cấp xã là cấp cuối cùng ở địa phương cơ sở thực hiện chức năng triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đến từng người dân. HĐND xã được tổ chức ở các đơn vị hành chính lãnh thổ tự nhiên, gắn kết chặt chẽ với dân cư ở cơ sở, là cầu nối giữa nhà nước với nhân dân, là nơi nhân dân thực hiện quyền làm chủ và tự quản của mình.
Tại Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã bổ sung thêm thẩm quyền của HĐND xã, phường, thị trấn bằng quy định, HĐND cấp xã có thẩm quyền “thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm” của cấp xã trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt. Nhưng thiết nghĩ, đây vẫn là hạn chế cho HĐND cấp xã, bởi với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của địa phương nhưng lại không có thẩm quyền “quyết định” kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà chỉ “thông qua” và phải trình cấp huyện phê duyệt.

Thực tế cho thấy, với mỗi địa phương cấp xã có đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau, ngay chính các xã trong một đơn vị hành chính cấp huyện, sự phát triển cũng không đồng đều… thì việc để HĐND ở mỗi địa phương cấp xã tự quyết định kế hoạch phát triển với các chỉ tiêu phù hợp là điều hết sức cần thiết, tránh mất thời gian, chờ trình, chờ phê duyệt của cấp huyện.
Có một thực tế nữa, là Điều 33 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện mới chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã; Điều 109 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND nói chung, chứ chưa có quy định rõ về nhiệm vụ quyền hạn của các Ban HĐND cấp xã; chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các Ban HDND cấp xã… Trong khi đó, thành viên các Ban của HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm, một số thành viên không có chức vụ chủ chốt, chủ yếu là bí thư chi bộ, Trưởng các khu dân cư có độ tuổi cao, trình độ chuyên môn còn hạn chế hoặc là cán bộ công chức xã công tác ở các tổ chức đoàn thể hầu hết đều quá nhiều việc nên việc bố trí thời gian dành cho hoạt động của ban còn mức độ.


Riêng về chức năng giám sát, theo quy định của pháp luật hiện hành, toàn bộ hoạt động giám sát được giao cho HĐND, Thường trực, các Ban HĐND. Tuy nhiên, thực tế trực tiếp tổ chức giám sát lại chủ yếu thuộc các Ban HĐND. Trong khi đó, các Ban chỉ là cơ quan chuyên môn của HĐND, Thường trực HĐND.
Với địa vị pháp lý như vậy, rất khó để các Ban HĐND có thể thực hiện được đầy đủ hoạt động giám sát của HĐND. Đồng thời, các Ban cũng không có đủ thẩm quyền, nguồn lực và khả năng thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện quyền giám sát… Điều này khiến chính những người trong cuộc cũng không khỏi “chạnh lòng” vì hoạt động của HĐND cấp xã nói chung, các Ban HĐND cấp xã nói riêng còn mờ nhạt, hiệu quả chưa rõ nét.

“Vấn đề cần làm hiện nay, là phải có những quy định cụ thể, để bảo đảm điều kiện hoạt động cho các Ban HĐND cấp xã thực hiện chức năng quyết định và giám sát hiệu quả tại cơ sở” - một thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với chúng tôi về giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã.

Quá trình giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã chỉ rõ: khó khăn đối với các Ban HĐND cấp xã đang xuất phát từ chính sự eo hẹp về cơ chế chính sách và nguồn lực; các thành viên Ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, Ủy viên tham gia các Ban đều không có phụ cấp…
Từ thực tế trên, có thể kiến nghị, cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét có chính sách chi trả phụ cấp cho Trưởng, Phó trưởng và các ủy viên các Ban HĐND cấp xã; bảo đảm vị trí chức danh có trình độ chuyên môn phù hợp, tăng thành viên chuyên trách của các Ban HĐND cấp xã. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc bố trí thành viên các Ban của HĐND cấp xã. Đồng thời, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hơn trong hoạt động của ban, quy định tư cách pháp nhân cho ban.
Hay như trong hoạt động giám sát, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, muốn hướng đến mục tiêu chỉ rõ những hạn chế, tồn tại để kiến nghị khắc phục, xử lý cho tốt hơn, hiệu quả hơn, đòi hỏi cơ quan thực hiện quyền giám sát phải có đầy đủ trình độ, năng lực. Ngoài việc nắm chắc các quy định của pháp luật còn phải am hiểu tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ của lĩnh vực, hoạt động mình giám sát… Đây là vấn đề khó với các Ban HĐND cấp xã hiện nay. Bởi, thực tế, một số thành viên Ban chưa dành nhiều thời gian thoả đáng cho hoạt động của Ban theo nhiệm vụ được phân công.

Ghi nhận qua giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho thấy, hầu hết các Ban HĐND xã đều chưa được tập huấn về hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn theo lĩnh vực phụ trách. Một số thành viên Ban chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong hoạt động; còn tình trạng đại biểu ngại va chạm, né tránh, nể nang, chưa mạnh dạn trao đổi những vấn đề chưa phù hợp. Cấp uỷ, HĐND cấp xã chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban HĐND cấp xã… Đó là còn chưa kể đến, các chế tài xử lý các cơ quan, đơn vị không thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát hiện cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.

Thiết nghĩ, hoàn thiện quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn HĐND cấp xã nói chung, của các Ban HĐND cấp xã nói riêng là yêu cầu tất yếu hiện nay, là điều kiện tiên quyết, quan trọng để bảo đảm thực thi quyền lực thực sự là của dân, do dân, vì dân, phát huy dân chủ. Vì, cấp xã là cấp gần dân nhất, cần quy định rõ hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND cấp xã; tăng tính thực quyền cho các Ban của HĐND.
Làm được như vậy, vai trò cơ quan dân cử ở cơ sở sẽ tiếp tục được củng cố, phát huy; để thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, xây dựng một xã hội phồn thịnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

M. TUÂN - V. ANH- P. HÀ - X. TÙNG - B. TRÂM