Tự tin, sử dụng đầy đủ quyền hạn của người đại biểu
Là người đại biểu HĐND, đại biểu phải tìm hiểu và nắm chắc nội dung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung 2019. Nghiên cứu kỹ và nắm chắc 3 trách nhiệm và 5 quyền hạn của người đại biểu HĐND. Ba trách nhiệm gồm: Trách nhiệm tham dự kỳ họp (Điều 93); tiếp xúc cử tri (Điều 94); tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân (Điều 95). Năm quyền của người đại biểu gồm: Chất vấn; kiến nghị; khi phát hiện vi phạm pháp luật; yêu cầu cung cấp thông tin và quyền miễn trừ (được quy định từ Điều 96 đến Điều 100).
Khi nắm chắc được trách nhiệm và quyền hạn, người đại biểu sẽ tự tin tham gia các hoạt động của HĐND và sử dụng đầy đủ quyền hạn của mình phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ dân cử. Nếu nắm không chắc thì sẽ không dám tham gia hoặc tham gia hoạt động nhưng hiệu quả không cao. Đơn cử, nhiều đại biểu HĐND rất lúng túng khi tham gia kỳ họp bàn bạc và nội dung mà mình không có thông tin nên không dám tham gia thi nhưng cũng không biết quyền được cung cấp thông tin và các thông tin đó được ai cung cấp cho mình. Nếu nắm chắc quyền, đại biểu yêu cầu cơ quan chức đang nắm các thông tin mình cần cung cấp, hoặc yêu cầu Văn phòng khai thác và phục vụ cho đại biểu.
Hoặc một số đại biểu HĐND khi nhận được đơn thư của công dân rất lúng túng không biết xử lý như thế nào, trong khi Luật cho phép đại biểu HĐND có quyền hạn rất lớn trong việc xử lý đơn thư của công dân. Tại điều 95 quy định: Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu HĐND về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn do pháp luật (Luật Khiếu nại hoặc Luật Tố cáo) quy định. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu HĐND có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại, khi cần thiết, đại biểu HĐND yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.
Đặt lợi ích của đa số cử tri, Nhân dân lên trên hết
Cùng với nắm chắc được trách nhiệm và quyền hạn, yêu cầu tiếp theo là đại biểu cần tích cực học tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để các hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Kỹ năng hay nói cách khác là việc đại biểu HĐND sử dụng thành thục ở mức độ cao các hoạt động quyết định, giám sát, TXCT, xử lý đơn thư... Bao gồm các nhóm sau: Kỹ năng TXCT, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; tham gia thảo luận, quyết định ban hành chính sách tại các kỳ họp HĐND; đối thoại, tranh luận, chất vấn tại các kỳ họp; giám sát (bao gồm giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề...); thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; tham vấn ý kiến Nhân dân. Để thực hiện tốt các nhóm kỹ năng này, đòi hỏi các đại biểu cần có các kỹ năng cơ bản như: Thu thập và xử lý thông tin, chuẩn bị ý kiến phát biểu, kỹ năng nói và kỹ năng nghe, đọc và ghi chép văn bản, sử dụng các công cụ hỗ trợ...
Kỹ năng không tự có, trừ một số người có năng khiếu về một số kỹ năng, còn phần lớn phải tự rèn luyện. Khi đã trở thành đại biểu HĐND, việc rèn luyện kỹ năng để hoạt động đại biểu có hiệu quả cao là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi mỗi đại biểu phải tự mình nỗ lực phấn đấu.
Bên cạnh đó, người đại biểu HĐND cần rèn luyện cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, vô tư, khách quan, trung thực và thẳng thắn, đặt lợi ích của đa số cử tri, Nhân dân lên trên hết. Là người đại biểu HĐND, các hoạt động của đại biểu sẽ được cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ. Do vậy, người đại biểu đó có được cử tri tin yêu hay không tùy thuộc vào việc đại biểu đã thể hiện ý chí nguyện vọng của đa số cử tri như thế nào. Tại các kỳ họp cũng như hoạt động giám sát của HĐND, người đại biểu không có bản lĩnh, không dám nói những điều đa số cử tri mong muốn, không đề xuất được những chính sách để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, không bảo vệ được những lợi ích hợp pháp của công dân thì không thể nói là hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu HĐND. Một điều cần lưu ý là tuyệt đối không lồng những vấn đề cá nhân, cục bộ vào diễn đàn HĐND.